Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Quỳnh Dung| 21/05/2023 06:34

(HNM) - Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15-4 đến 15-5), ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra khu sản xuất rau tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Hương Giang

Vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm

Trực tiếp tham gia kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm tại cơ sở, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh chấp hành các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Toàn thành phố đã thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Theo đó, đã kiểm tra 16.275 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó số cơ sở đạt là 13.893 cơ sở, chiếm 85,3%; có 2.382 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

“Bên cạnh đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm, song vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa quyết liệt, chủ yếu vẫn là nhắc nhở, khiến tình trạng vi phạm vẫn còn, nhất là ở cấp xã, phường. Một số cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm ý thức chưa cao trong thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, còn chạy theo lợi nhuận...”, ông Hà Tiến Nghi cho biết thêm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Huy, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, toàn huyện đã kiểm tra 898 cơ sở; trong đó có 38 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 25,5 triệu đồng. Các xã, thị trấn cũng kiểm tra 870 cơ sở và xử lý vi phạm 32 cơ sở, với số tiền hơn 10 triệu đồng. Nguyên nhân là do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Đa số các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn huyện nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa được quy hoạch bố trí phù hợp, nên khó khăn trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát.

Đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm tra, giám sát

Để nâng cao chất lượng nông sản cung cấp ra thị trường, theo Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (huyện Gia Lâm) Trần Thị Thanh, là đơn vị cung ứng rau, củ, quả sạch cho hơn 100 hệ thống siêu thị trên khắp các tỉnh miền Bắc; đặc biệt, công ty còn là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ (organic) cho các dòng sản phẩm sạch là rau gia vị. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất rau hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu nông dân ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc rau, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và ngăn chặn các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm; nhập lậu hoặc tạm nhập, nhưng không tái xuất sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn để đưa vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng các điểm giết mổ tập trung; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra cơ sở giết mổ gia cầm sống trong nội thành để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đánh giá về thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm của Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, Hà Nội đã có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và công tác thanh tra, kiểm tra. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm không có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra.

Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, Hà Nội cần bố trí kinh phí để phục vụ công tác xét nghiệm, lấy mẫu, kịp thời phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, bảo đảm không chồng chéo, không trùng lắp, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Hà Nội tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở các địa phương được quy hoạch để đi vào hoạt động hiệu quả..., nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Cũng theo khuyến nghị của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, Hà Nội cần kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nông sản, thực phẩm trên địa bàn trước khi đưa ra thị trường và sản phẩm nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ. Mặt khác, quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm; ưu tiên đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, lấy mẫu, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất phụ gia, chất hỗ trợ trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.