(HNM) - Hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngành Nông nghiệp Hà Nội tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin, giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở...
Theo ông Ngô Trọng Hiển, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở xã Thụy An (huyện Ba Vì), với tổng đàn gia cầm khoảng 10.000 gà đẻ, 20.000 gà thương phẩm, 60 vạn gà giống/năm, những tháng đầu năm là thời gian trang trại bắt đầu vào vụ nuôi mới. Mặc dù chăn nuôi theo quy mô khép kín, nhưng do thời tiết diễn biến bất thường, ông Hiển đã yêu cầu nhân viên thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi...
Còn Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho hay, hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các hộ chăn nuôi. Trong khi đó, hợp tác xã chăn nuôi với quy mô lớn, công nhân ra - vào nhiều, nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất lớn. Vì thế, hợp tác xã luôn chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nhận định về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, các trang trại đang tái đàn chăn nuôi sau vụ Tết. Hiện, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa - điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát triển, đặc biệt Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, trong khi nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y vẫn có tồn tại, như: Một số động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch kiểm soát giết mổ do việc người dân vận chuyển nhỏ lẻ...
Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, bảo đảm ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Hoàng Văn Tuấn, huyện chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, những khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, ảnh hưởng tới cộng đồng. Trạm cũng tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.
“Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh”, ông Hoàng Văn Tuấn cho biết thêm.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Trong đó, Sở NN&PTNT chú trọng tập trung chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm theo kế hoạch của thành phố. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.