(HNMO) - Ngày 19-5, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội năm 2020.
Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng trên 100 nghìn trường hợp mắc. Riêng năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 320 nghìn trường hợp mắc (số ca mắc cao nhất trong 32 năm trở lại đây), trong đó có 53 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, hằng năm đều ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao so với các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Năm 2019, toàn thành phố ghi nhận 12.256 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Hiện, thời tiết miền Bắc đang vào mùa hè, nắng nóng và mưa nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Để chủ động sớm trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt xuất huyết, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm 2020, UBND thành phố đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; rà soát và kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết của địa phương, đơn vị, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
Riêng UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương. UBND xã, phường, thị trấn thành lập các lực lượng cộng tác viên, tổ giám sát và đội xung kích diệt bọ gậy trên địa bàn; duy trì công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy theo tuần hoặc tháng, tùy tình hình dịch bệnh...
Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, trong đó tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, vật chủ trung gian truyền bệnh, ca bệnh... để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để, không để dịch bùng phát. Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn về phác đồ điều trị, phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán. Tại các bệnh viện, cần bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc sẵn sàng cấp cứu, điều trị người bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.