(HNMO) - Ngày 12-1, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 theo hình thức trực tuyến.
Theo BHXH thành phố, năm 2021, toàn ngành nỗ lực vượt qua khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, người lao động tham gia chính sách. Việc mở rộng, thu hút số người tham gia cũng được toàn ngành đặc biệt chú trọng. Kết quả, đến nay, Hà Nội có hơn 7,482 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 3,36% so với năm 2020, đạt 100,9% kế hoạch. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,8% dân số ở Thủ đô. Số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 1,863 triệu người, tăng 3,66% so với năm 2020, bằng 39% lực lượng lao động trong độ tuổi; hoàn thành chỉ tiêu HĐND thành phố giao. Số người tham gia BHXH thất nghiệp là hơn 1,798 triệu người, tăng 3,77% so với năm 2020, bằng 37,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; vượt 0,7% so với chỉ tiêu HĐND thành phố giao. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện là 63.304 người, tăng 30,06% so với năm 2020...
Tỷ lệ thuận với số người tham gia tăng là tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng. Năm 2021, số thu của ngành đạt gần 49.124 tỷ đồng, tăng 4%, so với năm 2020. Việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia được BHXH thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực thực hiện. Nổi bật là ngành đã gửi thông báo tới 84.510 đơn vị về việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền giảm 12 tháng là 1.177,6 tỷ đồng; đã chi trả hỗ trợ cho hơn 1,681 triệu lao động với số tiền gần 4.095 tỷ đồng... Các cơ quan chức năng đã bảo đảm quyền lợi cho hơn 8,6 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với chi phí gần 15.724 tỷ đồng...
Trong năm 2022, BHXH thành phố sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế; tập trung đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngay từ đầu năm; thường xuyên rà soát cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm thất nghiệp.
Ngành BHXH thành phố cũng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực; tích hợp kết nối liên thông để cung cấp và thực hiện các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành BHXH trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.