(HNMO) - Sáng 10-7, tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, Nghị quyết về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được thông qua với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Nghị quyết quy định như sau:
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tối đa 14 người đối với xã, phường, thị trường loại 1; tối đa 12 người đối với xã, phường, thị trấn loại 2 và tối đa 10 người đối với xã, phường, thị trấn loại 3.
Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn gồm 10 chức danh: Văn phòng Đảng ủy cấp xã; Phụ trách công tác truyền thanh xã; Phó Chỉ huy trưởng Quân sự; Phó Chủ tịch MTTQ; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã, phường, thị trấn còn sản xuất nông nghiệp); Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.
Mức phụ cấp của mỗi chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã:
Mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:
Cũng theo Nghị quyết, thành phố khuyến khích các xã, phường, thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp chức danh cao nhất. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Mức bồi dưỡng hằng tháng đối với phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố không quá 0,7 mức lương cơ sở.
Mức bồi dưỡng đối với chi hội trưởng: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ; Bí thư Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở thôn, tổ dân phố trên cơ sở quy định của đoàn thể, từ đoàn phí, hội phí và từ các nguồn, quỹ khác (nếu có).
Các chức danh: Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Kế hoạch - Giao thông thủy lợi (hoặc dịch vụ, du lịch, thương mại, đô thị), quản lý nhà văn hóa, nhân viên đài truyền thanh khi nghỉ được hỗ trợ mỗi năm công tác ở chức danh hiện giữ một tháng phụ cấp; không hỗ trợ đối với người kiêm nhiệm chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã không còn đủ quy định.
Nguồn kinh phí thực hiện mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố; chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác được cân đối trong dự toán ngân sách xã, phường, thị trấn hằng năm.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2019, thay thế Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố.
Cũng trong sáng 10-7, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức phụ cấp đối với phó trưởng công an, công an viên thường trực ở xã (nơi chưa bố trí công an chính quy) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, mức phụ cấp hằng tháng đối với phó trưởng công an xã theo hệ số 1,86 mức lương cơ sở; mức phụ cấp hằng tháng đối với công an viên theo hệ số 1,2 mức lương cơ sở. Nguồn kinh phí thực hiện mức phụ cấp trên được cân đối trong dự toán ngân sách xã, phường, thị trấn hằng năm.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.