(HNMO) - Chiều 14-6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh thành phố đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố đánh giá tình hình và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống dịch bệnh giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh chiều 14-6. |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến đầu tháng 6-2017, cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 13-6, thành phố ghi nhận 1.662 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2016), trong đó ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ huyện Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây); 235 xã, phường, thị trấn (chiếm 40%). Điều đáng nói, các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (484 ca, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2016), Hoàng Mai (343 ca, tăng 6,4 lần), tiếp đến là các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín... có số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 3-5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đánh giá, bệnh nhân ghi nhận rải rác trong các tháng nhưng có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền bệnh. Diễn biến dịch sốt xuất huyết năm 2017 tại Hà Nội phức tạp, chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ những năm trước, thể hiện qua số mắc tăng nhanh và cao, sớm hơn so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2-3 tháng. Mặt khác, dịch bệnh diễn biến trên diện rộng.
Tuy số mắc vẫn tập trung ở khu vực trọng điểm về sốt xuất huyết như những năm trước, nhưng đã có xu hướng lan sang các huyện ven nội đô như: Thường Tín, Hoài Đức, Đông Anh... Ngoài ra, năm 2017, Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có quy mô xã, phường với số bệnh nhân cao. Trong khi việc phun hóa chất tiêu diệt bọ gậy, diệt muỗi là biện pháp duy nhất phòng chống sốt xuất huyết, nhưng người dân chưa hoàn toàn phối hợp; một số nơi công tác chỉ đạo của cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt... Bên cạnh đó, thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Trong khi đó, bệnh chưa có vắc xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. Theo dự báo, đỉnh dịch thường xuất hiện vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm.
Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc diệt bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, hợp tác với ngành Y tế trong công tác phun hóa chất. Nếu đơn vị nào không chấp hành sẽ bị xử phạt hành chính. Sau khi tuyên truyền 1 tháng, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra. "Trong quá trình kiểm tra, trước mắt, chúng tôi tiến hành xử phạt hành chính đối với các cơ quan, xí nghiệp, công trường... không tuân thủ nghiêm túc việc thực hiện phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết", TS Nguyễn Khắc Hiền nói.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng tương đối nhanh trong những tuần gần đây. Cụ thể, chỉ từ ngày 21-5 đến 13-6 đã có thêm 745 ca mắc mới. Như vậy, bình quân mỗi ngày có hơn 30 ca sốt xuất huyết nhập viện.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý yêu cầu các ngành, địa phương đáp ứng tốt nhất công tác phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đã lên kế hoạch từ đầu năm, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, tập trung đến tận xã, phường, thôn, xóm để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh môi trường sống, dùng các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy, các dụng cụ chứa nước; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch cho rằng, khi phát hiện ổ dịch cần kịp thời khoanh vùng xử lý để tránh lây lan và hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nhất là việc tăng cường việc kiểm tra, tái kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.