Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt trên cao và người tham gia giao thông, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ nay đến 15/2 sẽ chặt hạ toàn bộ cây cổ thụ trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) - Trần Phú (quận Hà Đông).
Ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên dải phân cách giữa đường Nguyễn Trãi - Trần Phú còn 146 cây xà cừ, trong đó 123 cây có đường kính lớn hơn 50 cm, cao từ 14 đến 20 m. Các cây này chủ yếu phát triển nghiêng về phía đường sắt đô thị và có thể gây nguy hiểm nếu bị gãy đổ.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt đô thị và người tham gia giao thông, Sở Xây dựng đã được thành phố cho phép chặt hạ toàn bộ gần 150 cây xà cừ trên. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/2.
Đầu tháng 11/2014, hàng chục cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi đã được chặt hạ để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phương Sơn. |
Để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hai ngày qua hàng chục cây xà cừ với đường kính gốc gần hai người ôm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) bị đốn hạ.
Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường công trình ngầm (Sở Xây dựng) Trần Trọng Hiếu cho biết thêm, sau khi chặt hạ cây, phần dải phân cách giữa sẽ bị xóa bỏ để làm đường đi cho xe cơ giới. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã có phương án trình thành phố, trong đó làn xe gần vỉa hè dành cho xe máy, xe thô sơ; làn bên ngoài dành cho ôtô.
Dù xà cừ được trồng ở Hà Nội gần 100 năm nay và phần lớn có đường kính trên 50 cm, nhưng ông Hiếu khẳng định: "Đây không phải là loại cây đô thị vì cây to, lại có rễ chùm nông nên hàng xà cừ hai bên đường phố Hà Nội rất nguy hiểm cho người dân cũng như tuyến đường sắt trên cao".
Trước khi trình thành phố chặt hạ hàng xà cừ trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, Sở Xây dựng đã tính đến nhiều phương án, như cắt ngọn để hạ chiều cao, dịch chuyển sang địa điểm khác… Nhưng các phương án đó vẫn không ổn vì hàng cây nếu để lại tuyến đường vẫn ảnh hưởng lớn đến giao thông, còn nếu dịch chuyển sang địa điểm khác thì kinh phí rất lớn. Sau khi chặt hạ, cơ quan liên ngành sẽ kiểm định chặt chẽ khối lượng gỗ và tổ chức bán đấu giá.
Toàn thành phố Hà Nội hiện có trên 5.000 cây xà cừ được trồng từ thời Pháp, tập trung ở một số tuyến phố lớn như Kim Mã, Nguyễn Trãi, Quang Trung… cây dễ gãy đổ vào mùa mưa bão nên Sở Xây dựng đang thay thế dần hệ thống xà cừ trên các tuyến đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.