Giáo dục

Hà Nội quyết liệt thực hiện các giải pháp trong quản lý dạy thêm, học thêm

Thống Nhất 17/02/2025 - 07:53

Với mục tiêu vì quyền lợi học sinh, Hà Nội đang quyết liệt thực hiện các giải pháp trong quản lý dạy thêm, học thêm.

mr-tran-the-cuong.jpg

Từ ngày 14-2, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) chính thức có hiệu lực. Với mục tiêu vì quyền lợi học sinh, bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo, Sở GD - ĐT Hà Nội là một trong các đơn vị đầu tiên ban hành văn bản hướng dẫn triển khai. Để hiểu thêm về nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội Trần Thế Cương.

-Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT với nhiều giải pháp đột phá, được dư luận xã hội đặt nhiều kỳ vọng có thể giải quyết căn bản những tiêu cực khiến học sinh buộc phải tự nguyện học thêm. Ý kiến của ông về nội dung này thế nào?

-Việc Bộ GD - ĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về DTHT là cần thiết. Đây là hoạt động khá phức tạp, phạm vi rộng, nhu cầu của người học ngày càng lớn, trong khi văn bản cũ (Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT) ban hành từ năm 2012 đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp, chưa đủ chế tài quản lý. Các nội dung tại thông tư mới bao quát được toàn bộ hoạt động DTHT ở trong và ngoài trường học; trách nhiệm quản lý của UBND cấp tỉnh, sở GD - ĐT, UBND cấp huyện, phòng GD - ĐT, UBND cấp xã, hiệu trưởng nhà trường…

Các quy định của thông tư mới cũng nhằm hướng đến việc đưa DTHT vào nền nếp, bảo đảm lợi ích học sinh, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm, mẫu mực của nhà giáo.

Thành phố Hà Nội đang tích cực và quyết liệt trong việc chỉ đạo triển khai nội dung này nhằm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, vì học sinh, khẳng định vị thế người thầy, góp phần giải quyết những bất cập trong DTHT.

-Với quy mô trường lớp, học sinh và giáo viên lớn nhất cả nước, việc quản lý DTHT trong trường học ở Hà Nội có lẽ phần khó khăn hơn các địa phương. Sở GD - ĐT Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?

-Năm học 2024-2025, quy mô giáo dục Hà Nội có hơn 2.900 cơ sở giáo dục, 2,3 triệu học sinh và 130.000 nhà giáo. Việc tổ chức DTHT vốn là vấn đề phức tạp, nhu cầu lớn, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và phù hợp thì đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là học sinh. Xác định rõ điều đó, ngày 11-2-2025, Sở GD - ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các phòng GD - ĐT, các nhà trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hướng dẫn việc triển khai. Sở đề nghị các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về DTHT; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả, báo cáo kịp thời về Sở những khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Sở GD - ĐT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh; đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm.

Đồng thời, Sở cũng sẽ triển khai các giải pháp phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm đủ trường học, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về DTHT.

Sở GD - ĐT Hà Nội đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về DTHT trình UBND thành phố ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa DTHT vào nền nếp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

-Quy định mới về việc không thu tiền học thêm đối với học sinh ôn tập cuối cấp đang khiến không ít phụ huynh có con học lớp 9 và lớp 12 lo lắng, cho rằng có thể ảnh hưởng đến động lực của giáo viên và chất lượng giảng dạy. Ông có chia sẻ gì với phụ huynh học sinh về nội dung này?

- Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã nêu rõ việc tổ chức dạy thêm không thu tiền trong nhà trường áp dụng với ba nhóm đối tượng học sinh, gồm học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Việc bảo đảm học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng theo quy định là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên.

Hầu hết giáo viên các trường học trên địa bàn Hà Nội đều nỗ lực hỗ trợ học sinh đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, có nhiều mô hình, sáng kiến hay trong việc phụ đạo học sinh yếu, kém cũng như nâng chất lượng các kỳ thi. Minh chứng là từ năm 2022 đến năm 2024, Hà Nội đã tăng 16 bậc về thứ hạng so với các địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhằm tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, Sở GD - ĐT Hà Nội đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền, HĐND thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho học sinh ôn tập.

-Theo ông, đâu là giải pháp cần được tăng cường triển khai trong những ngày đầu Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT?

- Để thông tư mới đi vào thực tiễn và có hiệu quả thì việc triển khai đồng bộ các giải pháp là cần thiết, trong đó điều quan trọng sự thay đổi về nhận thức. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các lực lượng khác có liên quan cần tăng cường. Việc này nhằm nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để họ “nói không” với dạy thêm sai quy định; đồng thời cũng giúp học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm để thực hiện đúng. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ quan tâm các chính sách bảo đảm đời sống giáo viên, giúp họ chuyên tâm cống hiến với nghề.

-Ông có nhắn nhủ điều gì với phụ huynh học sinh?

-Để triển khai các nhiệm vụ của ngành Giáo dục nói chung và quản lý DTHT nói riêng, sự nỗ lực của ngành là chưa đủ, còn rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, chung sức vào cuộc, giám sát của phụ huynh học sinh. Nếu phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm vì con không đi học thêm, còn nặng nề về điểm số… thì dù có nỗ lực, ngành Giáo dục cũng khó thể giải quyết căn cơ những bất cập về dạy thêm, học thêm. Tôi kêu gọi phụ huynh học sinh hãy tin tưởng, đồng lòng chung sức, khẳng định trách nhiệm gia đình cùng ngành Giáo dục thực hiện và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định mới về DTHT, bảo đảm quyền lợi để các em được phát triển toàn diện.

-Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết liệt thực hiện các giải pháp trong quản lý dạy thêm, học thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.