Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phê duyệt hỗ trợ từ gói an sinh xã hội cho hơn 17.000 lao động

Minh Ngọc| 03/07/2020 18:24

(HNMO) - Ngày 3-7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội có Báo cáo số 2322/BC-LĐTBXH về tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.

Gói hỗ trợ an sinh xã hội đã đến với nhiều người lao động tự do trên địa bàn Hà Nội.

Đến thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg đối với người lao động, hộ kinh doanh và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, các địa phương đã phê duyệt quyết định hỗ trợ cho hơn 17.000 lao động với tổng kinh phí gần 17,4 tỷ đồng. Số người đã có quyết định hỗ trợ tập trung chủ yếu ở nhóm không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) với 16.677 người, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người.

Nhóm lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, có 371 người của 11 doanh nghiệp được phê duyệt hỗ trợ với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Nhóm hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 có 992 hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/hộ.

Với nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, các địa phương mới ra quyết định hỗ trợ cho 31 người. Còn nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động chưa có hồ sơ nào đủ điều kiện, hiện nay, các quận, huyện, thị xã vẫn đang tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ của nhóm đối tượng này.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội tại các địa phương đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nổi cộm là việc thẩm định các điều kiện để hỗ trợ cho các đối tượng thiếu căn cứ để kiểm tra, xác minh, chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp. Công tác rà soát đối tượng trùng lặp, bảo đảm nguồn lực hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng rất khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, dễ dẫn đến nhầm lẫn. Đối với người sử dụng lao động, các tiêu chí để đối tượng này tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi quá khắt khe, khiến những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu lại không đáp ứng đủ điều kiện…

Nhằm đưa chính sách trợ giúp đến các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã, đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg đến đông đảo người dân; đồng thời đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện. Sở phối hợp với Bưu điện thành phố thiết lập tổng đài đường dây nóng tự động, gồm 5 nhánh trả lời, sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp mọi thắc mắc của người dân.

Ngoài ra, Sở tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, qua đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phê duyệt hỗ trợ từ gói an sinh xã hội cho hơn 17.000 lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.