Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phát triển thị trường xuất khẩu rau, củ, quả

Ngọc Quỳnh| 06/03/2023 13:11

(HNMO) - Ngày 6-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo về giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu rau, củ, trái cây và sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã nắm bắt các thông tin, quy định của thị trường nhập khẩu, từ đó có phương án sản xuất phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại hội thảo.

Hà Nội có tiềm năng xuất khẩu rau, củ, quả

Hiện nay, Hà Nội đã phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị và xuất khẩu. Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong những năm qua, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các vùng nông nghiệp chuyên canh nhằm tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung. Hiện, Hà Nội là một trong những địa phương có tiềm năng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực.

“Trong năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,75 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và các tỉnh nhằm thu mua nguyên liệu của các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu. Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) xuất khẩu sang Đức; rau Văn Đức (huyện Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

Sản phẩm nhãn chín muộn của Hà Nội xuất khẩu đi nhiều nước.

Tham luận tại hội thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, Hà Nội có tổng diện tích gieo trồng rau các loại hằng năm đạt gần 34.000ha; tốc độ tăng trưởng diện tích rau đạt trung bình 1,41%/năm. Là địa phương có truyền thống sản xuất rau nên năng suất rau trên địa bàn thành phố luôn ổn định, có xu hướng tăng do người sản xuất chú trọng đầu tư thâm canh và bảo vệ sản xuất. Sản lượng rau hằng năm đạt trên 700.000 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 1,9%/năm. Sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng, theo mùa, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô...

Để phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300ha; trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu.

Thích nghi và đáp ứng yêu cầu về chất lượng

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Hà Nội rất có tiềm năng trong xuất khẩu rau, củ, quả, nhưng để mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như thành phố Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau quả an toàn, hữu cơ, phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Thông tin thêm về thị trường xuất khẩu trọng điểm hiện nay của Việt Nam, theo ông Đào Văn Cường, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam, dự báo, năm 2023, rau quả tiếp tục có nhiều lợi thế xuất khẩu với kỳ vọng kim ngạch sẽ vượt con số 3,34 tỷ USD năm 2022 để cán mốc 4 tỷ USD. Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm 2023, các tỉnh cũng như Hà Nội cần nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng...

Quang cảnh hội thảo.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài… Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước...

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 592 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm 57,5%; tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đó, để mở rộng thị trường xuất khẩu, người sản xuất và doanh nghiệp cần tích cực đổi mới phương thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chế biến rau quả, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phát triển thị trường xuất khẩu rau, củ, quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.