(HNM) - Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi đã chiếm tới 47,3% giá trị sản xuất, thành phố Hà Nội trở thành địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất toàn quốc.
Đáp ứng 40% nhu cầu về thực phẩm
Thống kê trên địa bàn thành phố cho thấy, trang trại chăn nuôi gia cầm chiếm số lượng cao nhất với 546 trang trại, vườn trại (310 trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp) ngoài khu dân cư với gần 2,9 triệu con (chiếm 13,8% tổng đàn) và gần 170 nghìn hộ chăn nuôi bình quân từ 60 con gia cầm/hộ trở lên. Đứng vị trí thứ hai là chăn nuôi lợn, với hơn 470 trang trại chăn nuôi (90 trang trại của doanh nghiệp) ngoài khu dân cư, số lượng chăn nuôi thường xuyên là 155 nghìn con (chiếm 9,6% tổng đàn) và gần 383 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi đã đánh dấu nhiều bước đột phá cả quy mô và cơ cấu giống vật nuôi. Thống kê sơ bộ, các địa phương có lợi thế về chăn nuôi bò thịt, bò sữa như Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mỹ Đức luôn duy trì chăn nuôi hơn 176 nghìn con bò thịt (70% bò lai Sind và 30% là bò Brahman, Drougmaster, bò vàng...) và gần 8,5 nghìn con bò sữa (sản lượng sữa tươi là gần 59 nghìn lít). Ước tính có gần 135 nghìn hộ tham gia chăn nuôi bò thịt, số hộ nuôi 1-5 con là gần 132 nghìn hộ, hộ nuôi 5-9 con là gần 1,9 nghìn hộ, nuôi 10-20 con là 208 hộ và nuôi 30-80 con chỉ có 2 hộ; gần 2,6 nghìn hộ chăn nuôi bò sữa; gần 2,5 nghìn hộ nuôi 3-5 con; 6-10 con khoảng 80 hộ và chăn nuôi 11-20 con là 8 hộ.
Điều đáng mừng hơn, tại nhiều địa phương đã hướng phát triển chăn nuôi theo vùng trọng điểm, ngoài khu dân cư đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm dần tình trạng ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, hệ thống quản lý chuyên ngành từ thành phố đến cơ sở cần không ngừng được củng cố, đảm nhiệm trọng trách thúc đẩy ngành chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh. Không chỉ có vậy, nhiều mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi tạo nên các vùng nguyên liệu ổn định, quy mô lớn, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất.
Hiện tại, mỗi năm người dân Hà Nội cần hơn 60.000 tấn thịt lợn, 10.000 tấn thịt gia cầm và 20.000 tấn thịt trâu, bò. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thịt lợn; 20% thịt trâu, bò và 30% thịt gia cầm, còn lại thực phẩm phải nhập từ nơi khác. Nguyên nhân, ngành chăn nuôi Hà Nội chưa cung cấp đủ nhu cầu cho thị trường tại chỗ do: quy mô chăn nuôi trên địa bàn thành phố còn nhỏ lẻ, phân tán, vệ sinh thú y chưa bảo đảm, nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp... Trong khi đó, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, giá thực phẩm không ổn định... điều này ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi.
Hướng đến nền sản xuất bền vững
Dự báo trong những năm tới, mỗi năm Hà Nội cần hơn 100 nghìn tấn thịt lợn, 30 nghìn tấn thịt trâu, bò; 300 triệu quả trứng, 100 nghìn tấn sữa, 30 nghìn tấn cá tươi. Để bảo đảm cung ứng đủ nguồn thực phẩm an toàn, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015, các huyện ngoại thành giảm tỉ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 70% như hiện nay xuống còn 40%; quy mô nuôi ở các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm ngoài khu dân cư được mở rộng gắn với việc xây dựng khoảng 15 xã chăn nuôi chuyên canh bò sữa. Từ nay đến cuối năm 2011, ngành chăn nuôi Hà Nội phấn đấu đạt tổng đàn trên 230 nghìn con trâu, bò (trong đó có 9 nghìn bò sữa); khoảng 1,7 triệu con lợn và trên 17 triệu con gia cầm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, TP tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm; chăn nuôi quy mô vừa và lớn ngoài khu dân cư phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung quy mô lớn, với công nghệ hiện đại, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, tiến tới xuất khẩu... Ngành NN&PTNT Hà Nội đang tập trung quy hoạch, xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung tại một số xã thuộc các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ; vùng nuôi lợn nái và lợn thương phẩm tại Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh... Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, các ngành tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi; gắn phát triển chăn nuôi với khâu giết mổ, chế biến công nghiệp, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Thành phố Hà Nội cũng xây dựng được 7 vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại một số xã thuộc huyện Ba Vì, Quốc Oai và Gia Lâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.