(HNMO) - Ngày 5-1, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2023. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cùng lãnh đạo các sở, ngành, các đơn vị kinh doanh lưu trú, lữ hành, điểm đến.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, với chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch, bao gồm du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15-3-2022, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh.
Ước cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2,15 lần so với kế hoạch, bằng 78,5% lượng khách du lịch nội địa năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, từ ngày 15-3-2022, ngành Du lịch Thủ đô đã bắt đầu mở cửa lại hoạt động du lịch, đón khách du lịch quốc tế, lượng khách du lịch đến Thủ đô đã tăng trưởng trở lại, các chỉ tiêu về phát triển du lịch đều tăng trưởng cao so với năm 2021. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cũng như nỗ lực chung của toàn ngành.
Bên cạnh những việc làm được, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành Du lịch Thủ đô. Đó là: Việc đầu tư khai thác, phát huy giá trị các điểm đến, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa; chất lượng dịch vụ tại một số điểm du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm; còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn. Ngoài ra, Hà Nội chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách...
Để triển khai có hiệu quả công tác phát triển du lịch Thủ đô năm 2023, đưa du lịch phục hồi nhanh, bền vững, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, ngành Du lịch Thủ đô phải đổi mới, cơ cấu lại để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Để thực hiện nhiệm vụ này, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành Du lịch thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ. Đó là, rà soát quy hoạch du lịch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ; nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, trong đó, đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác, liên kết phát triển du lịch.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, ngành Du lịch tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô, phối hợp với tổ chức nước ngoài đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Năm 2023, du lịch Thủ đô cần nỗ lực hơn để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đón được nhiều khách đến với Thủ đô, đặc biệt là khách quốc tế.
Năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô đặt chỉ tiêu, phấn đấu đón được 22 triệu lượt khách du lịch, tăng 17,6% so với năm 2022. Trong đó, Hà Nội phấn đấu đón 3 triệu lượt khách quốc tế (có 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 100% so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5%. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2%…
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, góp phần thực hiện mục tiêu này, tới đây, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung phát triển 5 tuyến du lịch, đó là: Tuyến trung tâm gồm các quận Hoàn Kiếm - Ba Đình - Đống Đa - Hồ Tây; tuyến Hà Đông - Mỹ Đức kết hợp với Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình) để đẩy mạnh trục du lịch tâm linh; tuyến Sơn Tây - Ba Vì - Quốc Oai; tuyến Đông Anh - Mê Linh với sản phẩm du lịch về hoa; tuyến Sóc Sơn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các địa phương sẽ căn cứ đặc trưng của mình để phát triển sản phẩm phù hợp, trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, các tuyến phố đi bộ… Trong năm 2023, Sở Du lịch cũng tập trung đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đường sông và du lịch MICE, du lịch golf, du lịch bay…
Tại hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022” cho Sở Du lịch; UBND thành phố tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển du lịch Thủ đô năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.