Xét nghiệm mẫu huyết thanh ở 73 người đều cho kết quả âm tính, tuy nhiên, xét nghiệm mẫu huyết thanh chuột cho thấy 16,3% có kháng thể kháng virus Hanta.
Thông tin được ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tại cuộc giao ban với báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 27/11.
Theo ông Hạnh, thời gian vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm virus Hanta gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận. Viện Paster TP. Hồ Chí Minh đã bắt 25 con chuột làm xét nghiệm xác định 03 mẫu dương tính với loại virus nguy hiểm đó.
Tại Hà Nội, cũng đã có một số trường hợp bị chuột cắn phải nhập viện, nhưng rất may, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Hanta.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn không thể chủ quan với loại virus gây bệnh này bởi theo kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với đại học Hokaido, Nhật Bản (năm 2006 - 2009) từng thực hiện trên quần thể chuột bắt tại chợ Trương Định và bến xe Giáp Bát, có tới 16,3% mẫu huyết thanh có kháng thể kháng virus Hanta, mặc dù kết quả xét nghiệm mẫu huyết thanh ở 73 người đều cho kết quả âm tính.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phòng ngừa dịch bệnh này, ông Hạnh cho biết, có thể trong thời gian tới, Sở sẽ tính đến chuyện mở chiến dịch diệt chuột, đồng thời tuyên truyền để người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh.
Người dân không nên hoang mang nhưng cũng cần cảnh giác trước các loại dịch bệnh, trong đó có chuột mang virus Hanta
Nhiều loại dịch bệnh được kiểm soát
Liên quan đến các loại dịch bệnh khác, ông Hạnh cho biết, năm 2012, nước ta ghi nhận 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, năm 2012 không có ca mắc cúm A/H5N1 nào. Trong khi đó, tổng số ca mắc loại cúm này trên cả nước trong 10 năm qua là 120, trong đó 61 ca đã tử vong, còn tại Hà Nội có 22 ca mắc, 9 ca tử vong.
Cũng rất đáng ghi nhận về công tác phòng dịch bệnh tại Hà Nội khi năm qua, trong khi cả nước ghi nhận 44 ca tử vong do bệnh chân tay miệng thì Hà Nội không có ca tử vong nào (trong tổng số gần 4.289 ca mắc). Theo giải thích của ông Phó Giám đốc Sở Y tế, có được kết quả này là do công tác phòng dịch tốt, các ca bệnh được phát hiện sớm nên điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.
Đặc biệt, năm 2012, mặc dù dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trên cả nước với hơn 75.000 ca mác, tử vong 61 người (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước), nhưng tại Hà Nội đã không có ca tử vong nào xảy ra.
Theo Phó Giám đốc sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, trong thời gian tới, ngoài việc chủ động phòng chống các dịch bệnh mùa Đông - Xuân, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp dục theo dõi chặt chẽ thông tin về các dịch bệnh mới, trong đó có loại bệnh gây ra bởi virus Hanta từ chuột.
Cũng tại buổi giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức 671 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả, tuyến Thành phố đã kiểm tra được 365 cơ sở, phạt tiền 50 cơ sở với số tiền là hơn 400 triệu đồng. Với 274 mẫu xét nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm hóa lý, đạt trên 95%.
Trong khi đó, các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra gần 14 nghìn lượt cơ sở cho thấy đạt trên 84%, xử lý vi phạm 207 cơ sở với số tiền phạt là trên 500 triệu đồng, đình chỉ 17 cơ sở và hủy 269 sản phẩm.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện dự án “Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản” đạt chỉ têu chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm năm 2012; xây dựng mạng lưới chợ, kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng thực phẩm tại các chợ, siêu thị phục vụ Tháng Khuyến mại tại Hà Nội năm 2012 và chuẩn bị hàng thực phẩm bình ổn giá cả phục vụ Tết Nguyên Đán.
Để không bị nhiễm virus Hanta - Hạn chế ngủ lều khi cắm trại, picnic. - Tránh xa các khu vực, đặc biệt là những góc tối trong nhà mà động vật gặm nhấm thường trú ngụ. - Giữ thực phẩm trong hộp đậy kín nhằm tránh chuột nhấm, phân và nước tiểu chuột rơi vào. - Vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, dọn dẹp rác, phế thải, bít các lỗ hổng chuột có thể chui vào nhà. - Nếu bạn làm sạch chỗ ngủ bằng hóa chất, nên mở cửa sổ thoáng khí 2 giờ trước khi vào. Mang găng tay và rửa tay kỹ sau khi vệ sinh nhà cửa. - Không chạm tay vào chuột khi lấy ra từ bẫy, nhất là chuột đã chết. - Nếu nhà có quá nhiều chuột, hãy liên hệ các dịch vụ diệt chuột chuyên nghiệp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.