(HNMO) - Chiều 27-4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương kết quả phong trào thi đua năm 2022; phát động đợt thi đua cao điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2023).
Tham dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh; Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng trung ương Phạm Huy Giang; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Tham dự còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Lê Hồng Sơn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Trung ương, thành phố Hà Nội.
Các phong trào thi đua đạt được nhiều kết quả
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Trần Sỹ Thanh phát động đợt thi đua cao điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết, năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thành phố cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn.
Trước bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, tổ chức triển khai nhiều phong trào thi đua từ thành phố đến cơ sở và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại; vốn đầu tư phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô. Tiêu biểu là các phong trào: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”; phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, phong trào “Người tốt, việc tốt”…
Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước thời gian qua là rất to lớn, song cũng phải thẳng thắn đánh giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Phong trào thi đua phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục, có nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Một số phong trào tác dụng lan tỏa chưa cao; còn tình trạng chậm phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến; đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều.
Tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Với ý nghĩa quan trọng của năm 2023, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Thủ đô phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ công tác. Đồng thời, triển khai hiệu quả kế hoạch về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"(11/6/1948 - 11/6/2023).
Trong đó, thứ nhất là tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; về giá trị lịch sử và tính thời đại của Lời kêu gọi thi đua ái quốc gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hai là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; có biện pháp, giải pháp cụ thể để kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, lựa trọng khâu yếu việc khó để phát động phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ba là tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Trung ương, thành phố phát động, trong đó đề ra các mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức; bảo đảm hài hòa 3 lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội. Quan tâm phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, đặc biệt là các phong trào trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng tái định cư thực hiện dự án đường Vành đai 4, các công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và các ngày lễ lớn của đất nước.
Bốn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những gương “Người tốt, việc tốt”; tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.
Năm là chú trọng việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Đặc biệt, quan tâm phát hiện nhân tố mới, chú trọng khen thưởng đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua; lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
“Phong trào thi đua và công tác khen thưởng thành phố thời gian tới sẽ có những chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ, thiết thực, tạo động lực quan trọng khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
* Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Văn phòng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 15 đơn vị (gồm: Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; Ban Đô thị, HĐND thành phố; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố; Sở Nội vụ; Sở Công Thương; Sở Giáo dục và Đào tạo; Hội Người mù thành phố; Báo Kinh tế & Đô thị; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông; các quận, huyện: Long Biên, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Chương Mỹ, Phúc Thọ).
Dịp này, các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng đã trao Cờ thi đua của thành phố Hà Nội cho 44 đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.