Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phát động đợt cao điểm phòng chống sốt xuất huyết và vi rút Zika

Gia Phong| 16/09/2016 11:17

(HNMO)-Sáng 16-9, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức phát động đợt cao điểm phòng chống sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do vi rút Zika.


Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Đặc biệt, trong thời gian từ cuối tháng 8-2016 đến nay, tại Singapore đã bùng phát dịch dịch bệnh này với số trường hợp mắc tăng nhanh hằng ngày. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm vi rút Zika tại Singapore được phát hiện vào ngày 28-8 và đến nay đã ghi nhận 283 trường hợp mắc, trung bình mỗi ngày ghi nhận gần 30 trường hợp mắc mới.

Hà Nội ra quân vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết và Zika tại huyện Hoài Đức sáng 16-9



Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 65.339 trường hợp mắc SXH và có 20 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.084 ca mắc SXH, phân bố tại 243 xã phường, thị trấn của 29 quận, huyện (trừ thị xã Sơn Tây), hiện chưa có bệnh nhân tử vong, số mắc giảm 46% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng tại huyện Hoài Đức, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 162 ca mắc SXH, xác định 27 ổ dịch SXH.

Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, số ca mắc SXH xu hướng gia tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8 và những ngày đầu tháng 9 do yếu tố thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh. Trước tình hình SXH trong nước cũng như tại Hà Nội cùng với bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp tại Singapore và một số nước trong khu vực, nguy cơ bệnh do vi rút Zika xuất hiện ở Hà Nội và khả năng bùng phát dịch SXH và bệnh do vi rút Zika là có thể nếu không có biện pháp chủ động, quyết liệt phòng chống dịch.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn nhấn mạnh, trước tình hình dịch bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhưng để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả cần có sự vào cuộc của mỗi người dân, mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Bởi cán bộ y tế chỉ có thể hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà không thể theo sát người dân hằng ngày vệ sinh nhà ở, khu dân cư, các vật dụng chứa nước... Do vậy, người dân cần chủ động, hằng ngày, hằng tuần vệ sinh môi trường, lập úp các vật dụng chứa nước trong gia đình không để muỗi đẻ trứng.

Phó Cục trưởng Đặng Quang Tấn cũng yêu cầu Hà Nội cần tiếp tục tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống dịch trên diện rộng, với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với đặc điểm dân cư, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân thực hành các hành vi phòng chống dịch. Tiếp tục triển khai phun hóa chất diện rộng phòng chống dịch tại các khu vực nguy cơ cao theo chỉ định của Bộ Y tế. Tăng cường phối hợp liên ngành, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh do vi rút Zika, bệnh SXH”...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, không có bọ gậy thì không có muỗi SXH, không có muỗi SXH sẽ không có nguồn truyền bệnh. Vì vậy, biện pháp phòng quan trọng, hiệu quả nhất là diệt bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành, bởi đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu SXH. Ngay sau buổi phát động hôm nay, đề nghị các quận, huyện, thị xã ra quân tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika trên địa bàn, đặc biệt tại các xã, phường trọng điểm, khu vực có ổ dịch cũ, các khu công trường, trường học…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phát động đợt cao điểm phòng chống sốt xuất huyết và vi rút Zika

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.