(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Đây là chương trình rất quan trọng với nhiều nét mới hướng tới mục tiêu, chỉ tiêu phát triển mạnh mẽ, toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội.
Đây cũng là cơ sở để các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025.
Đáng chú ý, trong mục tiêu phát triển đến năm 2025, thành phố phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt bình quân 2,5-3%/năm; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%. Về tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến, thành phố phấn đấu đạt 5-7%; trên 20% số cơ sở chế biến nông sản bảo đảm đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO...
Thành phố phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số huyện, số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 2.000 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng 5 sao đủ điều kiện tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia…
Để hoàn thành các chỉ tiêu, UBND thành phố xác định 3 nhóm nhiệm vụ, đó là: Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội theo chức năng vừa là kinh tế ngành, vừa tạo cảnh quan, môi trường sinh thái đô thị; phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Thủ đô; chuyển từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.