(HNMO) - Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương diễn ra ngày 10-4; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã phát biểu ý kiến, thông tin về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó, đồng chí khẳng định, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng cao gấp 1,3 lần mức tăng GDP của cả nước trong năm 2020; đồng thời đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Không cắt giảm đầu tư công, cắt giảm 5% chi thường xuyên
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ tổ chức cuộc họp với 63 tỉnh, thành phố trong bối cảnh phải tập trung tất cả nguồn lực, thời gian cho công tác phòng, chống dịch và bảo đảm sự vận hành thông suốt của hệ thống chính trị, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại kinh tế và tìm những dư địa để duy trì tăng trưởng.
“Hà Nội cam kết với Thủ tướng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương trên địa bàn triển khai quyết liệt, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được Chính phủ xác định”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Về tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng của thành phố trong quý I-2020 đạt 3,72% và là mức tăng trưởng cao so với các địa phương khác của cả nước, khu vực và quốc tế. Nếu không bị thiệt hại do Covid-19 thì mức tăng trưởng khoảng 7,1% là khả thi. “Đây là cố gắng, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền thành phố với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đáng chú ý, thu ngân sách quý I-2020 của thành phố đạt khoảng 72.600 tỷ đồng, bằng 26,5% tổng dự toán năm và đây là tín hiệu đáng phấn khởi. Về nông nghiệp, năm nay thành phố quyết tâm đạt tăng trưởng khoảng 4,04%, trên cơ sở tái đàn lợn lên 1,8 triệu con; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; giảm diện tích trồng hoa và tăng diện tích trồng rau, củ, quả…
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, Hà Nội đã chuyển 650 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm, thúc đẩy nông thôn phát triển và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đề ra. Thường trực Thành ủy và HĐND thành phố cũng thống nhất sẽ tiếp tục trao hơn 350 tỷ đồng vốn ủy thác từ nguồn vốn ngân sách của thành phố trong đợt 2 sắp tới. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Về đầu tư công, 5 năm qua, tổng vốn đầu tư công của Hà Nội là 107.300 tỷ đồng. Bình quân 4 năm qua, lũy kế đã giải ngân đạt 86%. Số còn lại năm 2020 và trước đó có khoảng 37.000-40.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục được giải ngân. Qua rà soát, mặc dù ngân sách trên địa bàn có thể giảm 30.000-33.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố có thể sụt giảm 10.000-15.000 tỷ đồng, nhưng Hà Nội quyết không cắt giảm đầu tư công mà cắt giảm 5% chi thường xuyên, sau khi đã giảm 10% so với dự toán trước đây. Nếu giải ngân được gần 40.000 tỷ đồng đến cuối năm thì đây là nguồn lực lớn để giải quyết các công trình cấp bách về an sinh xã hội, công trình thiết yếu của Thủ đô...
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, đối với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiệt hại ở mức thấp nhất và đạt tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3 lần. Về đầu tư công, Thành ủy đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Trong năm nay, thành phố có 125 dự án chuyển tiếp, trong đó quý I-2020 đã hoàn thành 25 dự án và thời gian tới tiếp tục thực hiện; còn 84 dự án mới thì tới nay đã khởi công, giải ngân được 30 dự án, còn lại đã xong chủ trương đầu tư, đang tìm hoặc đã tìm xong nhà thầu và sẽ giải ngân từ nay tới cuối năm.
Thường trực Thành ủy yêu cầu UBND thành phố, các sở, ngành xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể để vận hành các công trình xây dựng, nhà máy, chuỗi cửa hàng, siêu thị để bảo đảm an toàn hơn, không để mỗi nơi làm một kiểu. Đây sẽ là cẩm nang vận hành an toàn cho các lĩnh vực và có tổ công tác đi giám sát việc này. Tổ chức rà soát lại kỹ các đối tượng bị ảnh hưởng để ngoài hỗ trợ của Chính phủ thì thành phố sẽ hỗ trợ thêm theo nguồn lực của địa phương.
Đề xuất một số biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ngành cùng với Hà Nội đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thành phố cũng mong muốn các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là đường Vành đai 3 trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, cố gắng phấn đấu đến tháng 9 sẽ hoàn thành…
Về thể chế, chính sách, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện; chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế, nhất là kết cấu hạ tầng trong thời gian tới. “Những vấn đề liên quan đến thành phố, Thành ủy đã chỉ đạo HĐND thành phố sẵn sàng họp phiên bất thường để giải quyết tất cả những vướng mắc còn tồn đọng nhằm thúc đẩy sản xuất”, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị, Thủ tướng, các bộ, ngành tháo gỡ những vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công vì theo luật mới, các dự án chuyển tiếp hai nhiệm kỳ, nhiệm kỳ sau không được vượt quá 20% tổng mức đầu tư của dự án. Trong khi đó, tất cả dự án đang triển khai đã phê duyệt theo Luật Đầu tư công cũ sẽ không đáp ứng được yêu cầu…
Về triển khai Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, Hà Nội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích trong thời gian đầu triển khai do một số điều kiện đặc thù, bất khả kháng mà hiện nay chưa thể tổ chức đấu thầu… Ngoài ra, Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn một số công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông, trình Thủ tướng được lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, trên cơ sở có thể kiểm toán, rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5-7% chi phí dự toán để đẩy nhanh tiến độ…
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề giáo dục và đào tạo trong bối cảnh dịch Covid-19. Hội nghị nhằm giải quyết hai nội dung: Cho ý kiến nhất quán liên quan đến rút ngắn thời gian và chương trình học; việc tổ chức học tập, đánh giá kết quả học trong điều kiện thực tiễn hiện nay, bởi đây là vấn đề có liên quan đến khoảng 25-26 triệu học sinh và giáo viên.
Thứ hai là nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhất là cơ sở giáo dục tự chủ tài chính đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu sụt giảm. Thống kê cho thấy, riêng trong lĩnh vực giáo dục ngoài công lập của Hà Nội có khoảng 46.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.