Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phấn đấu 60% gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung vào năm 2025

Thúy Nga| 22/09/2021 10:04

(HNMO) - Thành phố đặt mục tiêu ít nhất 100 cơ sở, vùng chăn nuôi được xây dựng và được công nhận an toàn dịch bệnh.

UBND thành phố Hà Nội ngày 20-9-2021 đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Căn cứ thực tiễn và để kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế, kế hoạch xác định 7 mục tiêu cụ thể. Trong đó, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thành phố được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản, quy định, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, nhất là công tác phòng, chống bệnh động vật.

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát dịch bệnh động vật được củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo, cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật; ít nhất 100 cơ sở, vùng chăn nuôi được xây dựng và được công nhận an toàn dịch bệnh. Năng lực quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật được tăng cường; tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030…

Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch xác định 6 nhóm giải pháp, đặc biệt là xác định 4 nội dung ưu tiên để nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, gồm: Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; đầu tư phòng chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành thành phố chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội trong quá trình tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch trên. UBND các quận, huyện, thị xã chủ động quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; siết chặt quản lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu 60% gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung vào năm 2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.