Năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 60-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2023, các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai đảm bảo mục tiêu của kế hoạch.
Cụ thể, khoảng 85% doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 60% doanh nghiệp tại các làng nghề được hướng dẫn, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 100% siêu thị, trung tâm thương mại tuyên truyền không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Đặc biệt, chương trình đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: Khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…) tại các khu vực kinh doanh ăn uống…
Năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu: Giảm 3,5-4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất, như dệt may, rượu - bia - nước giải khát, thép, nhựa; tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 80%; 85% các khu, cụm công nghiệp và 60% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thành phố tiếp tục phấn đấu: 60-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.