Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phải tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao

Thái Sơn| 11/10/2015 06:28

(HNM) - Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện chiếm trên 55% diện tích tự nhiên của thành phố với sự tham gia của trên 4 triệu lao động. Trong giai đoạn 2010-2015, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp.


Do vậy, dù còn gặp không ít khó khăn trước tác động của thời tiết, dịch bệnh…, tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp năm 2014 của thành phố đạt 2,2% và dự kiến năm 2015 đạt 2,5%. Đóng góp vào kết quả đó có sự phát triển nhanh và ổn định của ngành chăn nuôi với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội hiện đang vững vàng trong tốp đầu của cả nước và giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của thành phố đạt trên 51% GDP lĩnh vực nông nghiệp. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Đăng để làm rõ thêm những kết quả nêu trên.



Tập trung phát triển vùng chăn nuôi trọng điểm

- Thưa ông, đâu là lý do giúp ngành chăn nuôi của Hà Nội có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua?

- Trước năm 2010, chăn nuôi của Hà Nội chủ yếu phân tán, quy mô nhỏ lẻ, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. Để chuyển sang sản xuất mang tính hàng hóa, Hà Nội đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi mang tính đột phá, trong đó phải kể đến việc phê duyệt chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư theo Quyết định 2801 ngày 17-6-2011 của UBND thành phố. Đặc biệt đã hình thành các chuỗi liên kết, từ sản xuất tới giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình "từ nông trại đến bàn ăn của mỗi gia đình". Từ đó đến nay, chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

- Để có thể chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô là điều không đơn giản, cần phải có thời gian. Bên cạnh đó, người nông dân phải thấy rõ lợi ích của việc chuyển đổi này, thưa ông?

- Chính vì thế, chúng tôi phải tập trung phát triển chăn nuôi ở các khu vực trọng điểm, có lợi thế về các điều kiện. Muốn vậy phải có quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh, phục vụ sự phát triển bền vững, hiệu quả. Hiện chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đã chiếm tỷ lệ 45% trong toàn ngành chăn nuôi thành phố. Cụ thể, chăn nuôi chiếm 36,05% tổng đàn; chăn nuôi gia cầm, thủy cầm chiếm 61,3% tổng đàn; chăn nuôi bò chiếm 80,2% tổng đàn; chăn nuôi bò thịt chiếm 16% tổng đàn. Về phát triển trang trại chăn nuôi, đến nay đã có 3.465 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư, trong đó 802 trại lợn, 2.569 trại gia cầm, thủy cầm, 33 trại chăn nuôi bò sữa, 61 trại bò thịt. Từ đó tạo nên bước chuyển rõ nét về sản lượng chăn nuôi từ xã, vùng trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Sản lượng sữa tươi đạt 25.000 tấn/năm, chiếm 82% toàn thành phố; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.151 tấn/năm; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 91.800 tấn/năm, chiếm 30,9% tổng sản lượng thịt lợn toàn thành phố. Sản lượng thịt gia cầm, thủy cầm xuất chuồng đạt 54.390 tấn/năm, chiếm 67,5% toàn thành phố; sản lượng trứng đạt 600 triệu quả, chiếm 60% tổng sản lượng trứng toàn thành phố…
- Ông có thể dẫn chứng một số vùng chăn nuôi tập trung lớn, thu được hiệu quả cao tại Hà Nội?

- Ví dụ: 12 xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa phần lớn tập trung ở các huyện Ba Vì, Gia Lâm đã chiếm trên 80% tổng đàn bò sữa và trên 80% tổng sản lượng sữa tươi tiêu thụ hằng ngày của thành phố. Về phát triển chăn nuôi gia cầm, trên địa bàn thành phố đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây; về thủy cầm chủ yếu tập trung ở một số huyện như Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín…

Vấn đề con giống và bảo đảm môi trường

- Một trong những yếu tố quyết định hiệu quả phát triển của ngành chăn nuôi là chất lượng con giống. Vấn đề này được Hà Nội giải quyết thế nào, thưa ông?

- Vâng, đây chính là vấn đề rất quan trọng, ví dụ như con giống gia cầm có thể quyết định tới 40-50% hiệu quả chăn nuôi. Để tăng năng suất, chất lượng thịt thành phẩm nhằm gia tăng giá trị sản xuất cho người nông dân, chúng tôi đã tham mưu cho thành phố, có những bước đột phá để cải tiến, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm. Đặc biệt trong đó là chú trọng ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi đã đề xuất thành phố hỗ trợ về giống, trước hết là giống bò sữa để tăng đàn, tăng sản lượng, tập trung cho các huyện Ba Vì và Gia Lâm là hai khu vực trọng điểm, tạo ra vùng nhiên liệu tập trung cho các nhà máy sữa. Bên cạnh đó, sử dụng tinh phân ly giới tính nhằm tăng số lượng bê cái và trọng lượng trung bình của bê sinh ra đạt trên 35kg được người chăn nuôi ứng dụng tốt. Sản lượng sữa hiện mới đạt 4,5-4,8 tấn/chu kỳ, song với giống tốt, tới đây sản lượng sữa có thể được nâng lên tới 7 tấn. Tương tự như vậy, trong chăn nuôi bò thịt, lợn hướng nạc, gia cầm, chúng tôi đã phối hợp với các trung tâm khoa học, kỹ thuật đầu ngành cùng các cơ sở sản xuất giống lớn trong thành phố, tập trung đưa các loại giống phòng chống dịch bệnh tốt, có chất lượng, năng suất cao vào thực tiễn sản xuất.

- Trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, nhiều khi rất khó thuyết phục người dân sử dụng giống mới, có năng suất, hiệu quả cao. Lý do chỉ vì thói quen đã ăn sâu trong cách sản xuất nhỏ lẻ. Hà Nội đã có những cách thức như thế nào để khắc phục tình trạng này?


- Cái đó hiện chỉ đúng một phần, bởi người nông dân ngày nay tiếp cận được nhiều thông tin và rất chịu khó áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Với Hà Nội, bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, tập huấn người dân, đào tạo cán bộ thú y ở cơ sở, thành phố còn có chính sách hỗ trợ miễn phí nhằm khuyến khích người dân sử dụng các giống mới trong sản xuất. Sau một thời gian, thấy rõ hiệu quả bà con sẽ chủ động triển khai việc chuyển đổi con giống. Ví dụ giống bò thịt BBB (Blanc-Blue-Belgium) hoặc Droughmater đưa vào trên nền bò lai Sind cho năng suất rất cao, nuôi từ 4 tháng đến 20 tháng có thể thu được từ 5 đến 20 triệu đồng. Vậy nếu chúng ta tổ chức tốt việc cung cấp giống, bà con nông dân có thể thu lợi nhuận lớn từ sản xuất chăn nuôi.

- Như ông vừa nêu, áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao là rất quan trọng, điều đó không chỉ với riêng khâu con giống. Và đặc biệt, một vấn đề rất quan trọng đối với việc phát triển chăn nuôi hiện nay là bảo vệ môi trường?

- Cùng với việc nâng cao chất lượng con giống, chúng tôi còn triển khai và ứng dụng chăn nuôi theo hướng sinh học. Kết quả đàn lợn thịt khi sử dụng thức ăn sinh học tỷ lệ nuôi sống đạt trên 95%; chỉ số tiêu tốn thức ăn (FCR) 2,9-3,1kg thức ăn/kg tăng trọng; khả năng tăng trọng 630-720gr/con/ngày; tỷ lệ thịt xẻ: 83-85%. Đàn gà thịt sử dụng thức ăn sinh học tỷ lệ nuôi sống đạt trên 95%, khối lượng bình quân 2,06kg/con, tiêu tốn 4,5kg thức ăn/kg tăng trọng. Đó là những ví dụ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ chăn nuôi.

Về bảo đảm vệ sinh môi trường, ngoài việc tổ chức chăn nuôi lớn tập trung xa khu dân cư, chúng tôi còn tham mưu để thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. Hiện giờ, theo một dự án hỗ trợ của Hà Lan, 50-60% các hộ chăn nuôi của thành phố đều xây dựng, lắp đặt hầm biogas, vừa sử dụng đun nấu trong gia đình, vừa xử lý được ô nhiễm môi trường. Với những HTX, doanh nghiệp, trang trại lớn, chúng tôi hỗ trợ xử lý môi trường theo công nghệ mới của Thái Lan và Hàn Quốc. Cùng với đó, những đơn vị, cơ sở này nếu ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại, mua sắm trang thiết bị như hệ thống làm mát, xử lý môi trường… sẽ được thành phố ưu tiên hỗ trợ lãi suất trong vòng 3 năm.

Lo "đầu ra" và những giải pháp thiết thực

- Trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung, vấn đề "đầu ra" cho bà con nông dân, tức việc giúp bà con tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế và có nhiều bất cập. Ngành chăn nuôi của Hà Nội có quan tâm tới vấn đề này?

- Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương và các huyện, thị xã để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo ra sự ổn định cho 3.500 hộ chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ, chế biến và cung cấp thực phẩm cho thị trường hằng năm đạt 140 triệu quả trứng gia cầm, 11 nghìn tấn thịt lợn, 3,6 nghìn tấn thịt gia cầm, 100 tấn thịt bò, 30 nghìn tấn sữa tươi được cung cấp qua 500 cửa hàng thực phẩm, điểm phân phối, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể… Đó là những kết quả bước đầu. Để làm tốt việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho bà con nông dân cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

- Ông có thể nói rõ hơn, cụ thể những giải pháp đó là gì?

- Trước hết với thị trường hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là đặc biệt quan trọng, các sản phẩm chăn nuôi phải bảo đảm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, các hộ dân, các cơ sở, trang trại chăn nuôi bảo đảm chuẩn mực quy trình sản xuất như việc chăn thả, sử dụng thức ăn, thuốc phòng chống dịch bệnh… Khi chúng ta hội nhập quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, vấn đề đó càng trở nên quan trọng. Muốn vậy, tôi cho rằng chúng ta phải làm tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi. Lấy ví dụ, cách đây 5 năm công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm của Hà Nội chỉ đạt khoảng 8% vì đa số thực hiện giết mổ nhỏ lẻ, trong các hộ gia đình; hiện nay chúng ta đã quản lý được khoảng 30-40%. Đó là bước đột phá trong công tác quản lý. Song, chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn vấn đề này. Cụ thể, có thể thấy việc đầu tư dây chuyền giết mổ cho một số doanh nghiệp trước đây là chưa phù hợp. Do đó, hiện có những doanh nghiệp không thực hiện được dự án như lộ trình đề ra, có những đơn vị hoạt động không hết công suất, lại có những nơi không hoạt động được vì địa điểm không phù hợp, không gắn với các vùng chăn nuôi tập trung, cũng không gắn với các doanh nghiệp chế biến… Tất nhiên có nhiều lý do, nhưng vừa rồi Sở NN&PTNT tham mưu cho thành phố tập trung vấn đề xử lý môi trường cho 4 doanh nghiệp với số tiền khoảng 100 tỷ đồng, còn quy mô dây chuyền giết mổ do họ tự đầu tư, quyết định. Chúng ta cần xây dựng những cơ sở giết mổ bán công nghiệp là phù hợp, bởi hoạt động của doanh nghiệp là căn cứ vào điều kiện thực tế... Tương tự như vậy, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để giảm tối đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; thu hút các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm đối với các cơ sở, trang trại; thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào các khâu chế biến, tiêu thụ…

- Cùng với những vấn đề nêu trên, theo ông trong thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục tập trung thực hiện những giải pháp nào để phát triển ngành chăn nuôi?

- Tôi cho rằng, mục tiêu của chúng ta không phải là lo được toàn bộ số thực phẩm hằng ngày thành phố đang tiêu thụ, mà quan trọng hơn là chúng ta phải có những sản phẩm chất lượng, mang giá trị cao. Chúng ta phải tận dụng vị thế là một trong những trung tâm khoa học, kỹ thuật hàng đầu đất nước để sản xuất ra những loại giống có chất lượng, năng suất, giá trị cao, cung cấp cho các địa phương trong cả nước. Cùng với đó, Hà Nội phải tập trung xây dựng những nhãn hiệu, thương hiệu riêng trong lĩnh vực chăn nuôi như bò sữa Ba Vì, gà mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu… để tạo sự phát triển bền vững và hiệu quả. Mặt khác, bên cạnh việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển chăn nuôi, tăng cường xúc tiến thương mại, hợp tác liên kết với các tỉnh nhằm tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc; cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực đến cán bộ và người chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu về phát triển chăn nuôi công nghệ cao; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh để tạo sự chuyển biến đồng bộ.

- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phải tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.