Giáo dục

Hà Nội phải giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ

Thống Nhất 16/08/2023 12:50

Ngày 16-8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà dự.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục thành phố phải giải quyết dứt điểm, năm học tới không còn để hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký nhập học.

Gặt hái nhiều quả ngọt

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, năm học 2022-2023, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Tính đến tháng 6-2023, toàn thành phố có 72,4% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông, các trường đã thực hiện tốt theo đúng hướng dẫn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.

tong-ket-nam-hoc-ha-noi-2-4750(1).jpg
Văn nghệ chào mừng hội nghị. 

Năm học 2022-2023, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Học sinh Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 8 học sinh đạt giải quốc tế; 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông. Đặc biệt, Hà Nội còn đứng đầu cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V; 4/4 dự án thi khoa học kỹ thuật quốc gia đều đoạt giải. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của các nhà trường trong việc đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường rèn cho học sinh kỹ năng ứng dụng kiến thức vào thực tế và chủ động nghiên cứu khoa học.

hoi-nghi-tong-ket-nam-hoc-ha-noi-8189(1).jpg
Quang cảnh hội nghị. 

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có việc quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu, kém, năm 2023, Hà Nội đã bứt phá về tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông với 99,56% học sinh tốt nghiệp, xếp thứ 16 của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022. Hà Nội cũng là một trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Không được để hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ

Báo cáo tham luận từ một số đơn vị đã làm rõ hơn những kết quả đạt được cũng như các giải pháp, nhiệm vụ sẽ được tập trung triển khai thời gian tới, trong đó tập trung vào việc xây dựng trường lớp và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Là đơn vị tiêu biểu trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, với 73/79 trường đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 92,4), đại diện lãnh đạo huyện Gia Lâm cho biết, huyện luôn ưu tiên nguồn lực xây dựng trường học theo hướng đạt chuẩn để tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục. Không chỉ quan tâm đầu tư cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, huyện còn chủ động dành kinh phí cải tạo, nâng cấp các trường trung học phổ thông. Trong bối cảnh quy mô dân số ngày càng tăng (từ năm 2003 đến nay dân số của huyện tăng từ 18 vạn người lên hơn 30 vạn người), huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng mạng lưới trường, lớp học để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng học tập của học sinh.

Đề cập đến giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận chia sẻ, Phòng đã chủ động tham mưu UBND quận ban hành đề án nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên quận Ba Đình giai đoạn 2021-2025. Công tác rà soát đội ngũ cán bộ được thực hiện thường xuyên và luân chuyển định kỳ. Quận cũng tổ chức thi tuyển để chọn cán bộ quản lý, giáo vên giỏi; bảo đảm 100% cán bộ, giáo viên tham gia bồi dưỡng thường xuyên, trong đó đặc biệt chú trọng bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ này được tập trung bồi dưỡng năng lực thiết kế bài giảng và đổi mới phương pháp dạy học; việc dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới (khoa học tự nhiên, tin học - công nghệ, hoạt động trải nghiệm); kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và năng lực đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh…

bt.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá, Hà Nội luôn quan tâm đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, đạt nhiều kết quả nổi bật và có đóng góp ngày càng hiệu quả trong kết quả của giáo dục cả nước. Năm học mới, ngành Giáo dục Thủ đô cần nỗ lực hơn nữa, ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; nhân rộng điển hình triển khai chương trình mới; tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường học; đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm triển khai văn hoá học đường. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu ngành Giáo dục thành phố giải quyết dứt điểm, không được để hiện tượng phụ huynh học sinh phải xếp hàng nộp hồ sơ trong kỳ tuyển sinh năm học tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, thành phố Hà Nội luôn xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực cần quan tâm đầu tư. Điều này đã được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch… So với yêu cầu phát triển, giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm như còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; sĩ số học sinh/lớp ở một số trường cao hơn quy định; còn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương…

chi-ha.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà. 

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục cần xây dựng kế hoạch chi tiết và các chương trình chuyên đề để thực hiện tốt nhiệm vụ; rà soát quy hoạch, tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo kế hoạch; thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND thành phố về giá dịch vụ giáo dục; rà soát, tham mưu thành phố trình HĐND thành phố các cơ chế chính sách đặc thù…

Đồng chí Vũ Thu Hà cũng đề nghị ngành Giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Trước mắt, thành phố đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu kế hoạch tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các loại hình từ năm học 2023-2024; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phải giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.