Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục Hà Nội giữa khu vực ngoại thành và nội thành: Giảm dần chênh lệch chất lượng

Thống Nhất| 18/01/2023 06:09

(HNM) - Năm 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, có bước chuyển biến rõ về điểm trung bình các môn ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là thách thức không nhỏ của toàn ngành, bởi còn có sự khác biệt về điều kiện, chất lượng giáo dục giữa khu vực nội và ngoại thành. Tuy nhiên, nhìn lại sự bứt phá của các trường học khu vực ngoại thành trong năm 2022, tin tưởng toàn ngành sẽ đạt mục tiêu giảm dần khoảng cách, chênh lệch về chất lượng giáo dục với các trường khu vực nội thành.

Việc đầu tư xây mới đã tạo môi trường học tập tốt, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (huyện Quốc Oai).

Những mảng màu sáng 

Kết quả đáng chú ý của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2022 là sự khởi sắc về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh các trường khu vực ngoại thành, trong đó có những trường ở địa bàn rất khó khăn. Kết quả ấy góp phần làm nên thành quả chung của toàn ngành, với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,1%, cao hơn 0,2% so với năm trước.

Điểm nhấn đầu tiên trong gam màu tươi sáng đó, là học sinh Nguyễn Ngọc Lễ, Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (huyện Quốc Oai) đạt thủ khoa toàn quốc của khối A00 (tổ hợp toán, vật lý, hóa học) với điểm số tuyệt đối 30/30. Đây cũng là thí sinh duy nhất của cả nước giành số điểm tuyệt đối ở một tổ hợp môn xét tuyển đại học năm 2022. 

Trong tốp các trường có điểm trung bình bài thi cao nhất của 9 môn thi có sự góp mặt của nhiều trường ở địa bàn ngoại thành. Môn hóa học có 50% số trường trong tốp có điểm trung bình cao nhất là ở các huyện. Trường Trung học phổ thông Quốc Oai xếp thứ hai toàn thành phố về môn vật lý; Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) xếp thứ hai về môn ngữ văn… Trong số 104 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, có không ít trường ở khu vực ngoại thành, thậm chí trên địa bàn một huyện có tới 2-3 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp ở mức tuyệt đối, như: Huyện Quốc Oai, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn…

Không những vậy, theo Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), năm 2021 Hà Nội không có trung tâm giáo dục thường xuyên nào đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, còn năm 2022 có 3 đơn vị. Đây là sự bứt phá mạnh, bởi “đầu vào” không cao, nhiều học viên lớn tuổi, nhiều người vừa phải đi học, vừa đi làm… 

Đặc biệt, trong số 184 thành viên đội tuyển học sinh giỏi thành phố đang ôn luyện để tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (dự kiến diễn ra vào tháng 2-2023), ngoài đa số học sinh của các trường chuyên, còn có sự góp mặt của 2 học sinh Trường Trung học phổ thông Thường Tín (huyện Thường Tín) và Trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất). 

Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ phông Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Trọng Hiếu

Tạo mọi điều kiện cho học sinh 

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, những khởi sắc nói trên không chỉ thể hiện thành quả nỗ lực của thầy, trò các trường học, mà còn khẳng định hiệu quả của chủ trương được Hà Nội kiên trì từ nhiều năm nay là tập trung nguồn lực để nâng chất lượng giáo dục toàn diện, giảm khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn.

Không chỉ nằm ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Trường Trung học phổ thông Tân Dân (huyện Phú Xuyên) còn là đơn vị có điểm chuẩn đầu vào thấp nhất thành phố trong nhiều năm qua. Thế nhưng, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, học sinh của trường đạt trung bình 7,12 điểm ở môn hóa học, xếp thứ 7 toàn thành phố. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Dân Trịnh Xuân Tình, năm 2023, nhà trường cố gắng duy trì và nâng thứ hạng trong kỳ thi tốt nghiệp ở nhiều môn. Giải pháp đang được tập trung triển khai là phân nhóm đối tượng học sinh, phân công giáo viên có kinh nghiệm để bồi dưỡng học sinh giỏi, nhằm cải thiện mức điểm thi; quan tâm hỗ trợ, phụ đạo học sinh yếu, kém, bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp ở mức cao nhất. 

Là trường lọt nhóm 10 trường có điểm trung bình môn vật lý cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức) Vũ Trí Thức cho biết, mục tiêu của trường là tiếp tục nâng kết quả thi ở tất cả các môn học. Ngay từ khi vào lớp 10, nhà trường duy trì việc tổ chức dạy học toàn diện các môn, không để học sinh học lệch. Nằm ở địa bàn khó khăn, nên ưu tiên hàng đầu của nhà trường là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em học tập tốt. Cùng với việc phát động phong trào đôi bạn cùng tiến, giáo viên chủ nhiệm lớp thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình học tập và hoàn cảnh của từng em để kịp thời có biện pháp hỗ trợ phù hợp, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau. 

Để nâng chất lượng toàn diện, giảm khoảng cách về chất lượng của các trường khu vực ngoại thành và nội thành, bên cạnh những giải pháp đã được kiên trì thực hiện, Hà Nội đang triển khai phong trào “Quận giúp huyện, trường giúp trường”. Mục tiêu của phong trào là nhằm kêu gọi các trường ở nơi thuận lợi chia sẻ, hỗ trợ về chuyên môn cũng như cải thiện điều kiện dạy học về cơ sở vật chất, thiết bị…, giúp các trường ở vùng khó khăn nâng chất lượng bền vững, toàn diện hơn. Nhằm tạo chuyển biến rõ về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các nhà trường phát huy thế mạnh về ngoại ngữ, toán học; tăng cường rèn luyện cho học sinh kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề của thực tế; hỗ trợ tối đa cho học sinh lớp 12, giúp các em đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp ở mức cao nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục Hà Nội giữa khu vực ngoại thành và nội thành: Giảm dần chênh lệch chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.