Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Những cửa hàng thiết yếu nào được phép mở cửa?

Hoàng Lân| 27/03/2020 17:33

(HNMO) - Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội diễn ra vào chiều 27-3, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã rà soát các hệ thống siêu thị, chợ và đề nghị các địa phương có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho nhân dân.

Các cửa hàng tạp hóa, dân sinh vẫn mở cửa buôn bán, nhưng tất cả mọi người đều đeo khẩu trang phòng dịch.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, sau cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 25-3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đóng cửa tất cả những cửa hàng, dịch vụ không cần thiết; chỉ mở những cửa hàng bán nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân.

Ngày 26-3, các địa phương đã đồng loạt triển khai. Tuy nhiên, do cách hiểu của các quận, huyện, thị xã chưa thống nhất dẫn đến một số địa phương đóng cửa cả những cơ sở kinh doanh thương mại, kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm, khiến người dân lo lắng nên đi mua sắm nhiều hơn, dẫn đến lượng hàng hóa tiêu thụ gấp đôi ngày thường.

Sở Công Thương đã có cuộc họp để thống nhất những mặt hàng kinh doanh được phép mở cửa. Hiện nay, toàn thành phố có 141 siêu thị, 455 chợ, 674 cửa hàng xăng dầu… Đây là đối tượng được xem xét để mở cửa bán hàng, kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân. 

Hiện, thành phố có 26 trung tâm thương mại, chỉ có trung tâm thương mại Tràng Tiền kinh doanh thời trang, ăn uống; 25 trung tâm thương mại còn lại đều có hệ thống siêu thị. Vì thế, Sở Công Thương đề xuất, các trung tâm thương mại tiếp tục cho phép các siêu thị, văn phòng, bệnh viện mở cửa; chỉ đóng cửa các khu giải trí, cửa hàng ăn uống, trung tâm thể thao, làm đẹp… Bên cạnh đó, những cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán rau củ quả, lương thực thực phẩm, các cửa hàng thuốc cũng được phép mở cửa để phục vụ nhân dân. 

Tại các chợ dân sinh, Sở Công Thương đề xuất vẫn để các hộ kinh doanh bán thực phẩm, rau, củ, quả, đồ khô hoạt động; còn những hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu khác sẽ xem xét dừng kinh doanh.

Đối với việc tích trữ hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện thành phố đã xây dựng các kịch bản với 5 cấp độ bảo đảm cung cấp đủ cho người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa lên kế hoạch dự phòng.

“Sở Công Thương đề nghị các địa phương có sự thống nhất trong cách thực hiện, bảo đảm việc phục vụ nhu yếu phẩm tốt nhất cho nhân dân. Sở Công Thương cam kết lượng hàng hóa tại các siêu thị vẫn bảo đảm cung cấp đầy đủ. Người dân không nên lo lắng, tích trữ nhiều”, bà Trần Thị Phương Lan lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Những cửa hàng thiết yếu nào được phép mở cửa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.