Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội nêu tên 10 công trình sai phạm nổi cộm

Theo Phương Sơn/Vnexpress| 11/12/2015 08:53

Khu tổ hợp chung cư Đại Thanh, tòa nhà 8B Lê Trực, 93 Lò Đúc, 88 Láng Hạ, nhà do Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội đứng tên...nằm trong danh sách những công trình sai phạm nổi cộm được thành phố Hà Nội chỉ ra.



Văn bản trả lời câu hỏi tái chất vấn kỳ họp 14 HĐND thành phố do Phó chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký, có nêu nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, trong đó chỉ rõ những công trình, dự án xây dựng vi phạm nổi cộm, chưa được xử lý dứt điểm.

Đứng đầu trong danh sách này là dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì). Tại đây, chủ đầu tư đã cho xây dựng 6 khối nhà vượt số tầng so với quy hoạch (cho phép 29 tầng, tuy nhiên xây 31 tầng). Phần lớn các hạng mục của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, khoảng 40% số căn hộ đã được cấp sổ đỏ. Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Thời điểm phát sinh vi phạm, chính quyền cơ sở chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý dẫn đến các công trình tiếp tục thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư có hành vi không hợp tác với các đoàn kiểm tra như Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội, Sở Xây dựng. Dự án đang được thanh tra toàn diện.


Dự án thứ 2 bị nhắc đến là chung cư 88 Láng Hạ (quận Đống Đa) do Công ty TNHH Hanotex làm chủ đầu tư. Công trình này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Tuy nhiên, tới nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Công trình cũng xây dựng sai so với nội dung giấy phép, sai công năng sử dụng. Cụ thể, chủ đầu tư chuyển đổi tầng kỹ thuật mái và tầng mái thành căn hộ penthouse; 1/2 tầng kỹ thuật sử dụng làm văn phòng. Các sai phạm này đã được Sở Xây dựng kiểm tra và báo cáo TP Hà Nội. Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đang tiến hành thanh tra toàn diện dự án.


Dự án xây dựng công trình trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở tại tổ 50 Yên Hòa do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Cụ thể theo báo cáo, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã thi công sai so với hồ sơ thiết kế được duyệt.


Công trình này đã được tăng diện tích sàn khoảng 50m2 mỗi tầng để làm lôgia, hành lang, ban công của mỗi căn hộ. Với lỗi này, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản xử phạt 80 triệu đồng. Hiện nay công trình bị đình chỉ thi công. Bộ Xây dựng đã vào cuộc, thanh tra toàn diện dự án.


Dự án tai tiếng nhất trong thời gian vừa qua cũng nằm trong danh sách bị nêu tên là Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê do Công ty cổ phần may Lê Trực làm chủ đầu tư tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Tại dự án này, chủ đầu tư đã thi công sai so với nội dung được cấp phép về tổng chiều cao công trình, tổng diện tích sàn.


Công trình đã bị UBND phường Điện Biên ban hành quyết định đình chỉ thi công. Sở Xây dựng đã chỉ đạo chủ đầu tư tự khắc phục vi phạm. Chủ đầu tư đang thực hiện phá dỡ. Tuy nhiên, theo ghi nhận việc này diễn ra chậm chạp, phần trên nóc đến 9h30 sáng 10/12 vắng bóng công nhân, ở phía dưới sảnh, chỉ lác đác người dùng máy khoan để phá phần xây sai phép.


Dự án chung cư cao tầng do Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô làm chủ đầu tư tại số 93 Lò Đúc (Hai Bà Trưng) có 29 tầng, thi công vượt 1 tầng so với giấy phép; sử dụng sai công năng đối với các phần diện tích sử dụng chung. Các vi phạm này phát sinh từ năm 2006 đến năm 2011. Cơ quan chức năng đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ bộ phận công trình sai phép tuy nhiên đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.


Dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi, giải trí bán đảo hồ Đống Đa do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hà Thủy làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã thi công sai giấy phép. Cụ thể, công trình đã xây thêm 1 tum thang, chưa thi công đường dẫn xe lên xuống tầng hầm, sử dụng diện tích tầng 2 sai với mục đích được phê duyệt. Cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư dỡ bỏ các hàng rào ngăn cách, trả lại mặt bằng khuôn viên khu vui chơi giải trí theo chức năng được duyệt.


Công trình xây dựng tòa nhà A3, khu tập thể số 8 Lý Nam Đế, do Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đứng tên vi phạm về chiều cao và số tầng.

Với những sai phạm này, thanh tra xây dựng, từ ngày 10/3 đến nay, đã lập 12 biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công. UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu ông Linh dỡ bỏ phần công trình xây dựng trái phép. Cụ thể, phải phá dỡ 3 tầng 8, 9, 10, diện tích mỗi tầng 140m2, phá dỡ tum thang với diện tích 21,4m2…Ngoài ra, gia đình ông Nguyễn Hoàng Linh phải nộp phạt 15 triệu đồng.

Hiện nay, ngôi nhà được phủ kín bạt ở ngoài, phía bên trong đang tiếp tục được hoàn thiện, việc tháo dỡ phần vi phạm chưa được thực hiện.


Công trình tòa nhà làm việc và kinh doanh dịch vụ tại số 38 đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư, trong quá trình cải tạo, phá dỡ, đã không có giấy phép xây dựng. Đội thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm. UBND quận Cầu Giấy đã quyết định xử phạt chủ đầu tư với số tiền 80 triệu đồng. Bộ Xây dựng đã vào cuộc, thanh tra toàn bộ dự án này.


Ngoài ra, các dự án do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư cũng bị nhắc tên trong danh sách. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, đơn vị này sử dụng sai mục đích với tổng diện tích 181.730m2 đất và 11.474m2 nhà. Riêng tại tại dự án Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông), HUD đã xây dựng sai phép và tự ý tăng thêm 45.935m2 sàn....


Tại dự án chung cư cao tầng và trung tâm thương mại văn phòng do Công ty cổ phần may Thăng Long làm chủ đầu tư tại số 250 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), chủ đầu tư đã tự xây dựng 4 công trình trên diện tích đất được quy hoạch làm vỉa hè, cây xanh của dự án với tổng diện tích sàn khoảng 1.500m2. Sai phạm xảy ra từ năm 2012 đến năm 2013.

Thời gian này, các vi phạm chỉ được lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không được chính quyền cơ sở áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý. Vì thế, dự án tiếp tục thi công, thậm chí 3 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ mục đích riêng của chủ đầu tư, gây bức xúc trong dư luận.

Sở Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp để đôn đốc, hướng dẫn quận Hai Bà Trưng và phường Minh Khai xử lý công trình nói trên. Theo Sở Xây dựng, hiện nay, 4 công trình vi phạm đã cơ bản được tháo dỡ triệt để. Tuy nhiên trên đất để quy hoạch làm vỉa hè, vườn hoa vẫn còn tồn tại hai ngôi nhà chưa được giải phóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nêu tên 10 công trình sai phạm nổi cộm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.