Để thực hiện thành công mục tiêu chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; việc nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân là điều cần thiết.
Mục tiêu top dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
“Đến năm 2030, thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Đây là tầm nhìn của Thủ đô Hà Nội được đưa ra trong Quyết định số 4098/QĐ-UBND phê duyệt chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 6-9-2021.
Tại quyết định này, Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng… Đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng.
Chương trình cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu dựa trên 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tương ứng trong đó chuyển đổi nhận thức được quan tâm đặc biệt.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức
Theo đó, Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và thành phố về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Giao tiếp điện tử của thành phố, Cổng thông tin điện tử của các cấp, các ngành, mạng xã hội, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Hằng năm, thành phố tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” để giới thiệu kết quả phát triển chính quyền số và tôn vinh các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố có thành tích xuất sắc trong phát triển chính quyền số. Song song với đó là phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước của thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; giữa các hội, hiệp hội công nghệ thông tin trên địa bàn với hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực khác để tạo hiệu ứng ra xã hội.
Trong lĩnh vực kinh tế số, xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ những câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số trong phát triển kinh tế. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ số của các doanh nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực như: Thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp...; tổ chức các hội thảo chuyên đề về kinh tế số; triển lãm quốc tế về công nghệ số định kỳ 2 năm/lần để giới thiệu, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ số đến từ các nước trên thế giới; xây dựng mô hình doanh nghiệp mẫu về chuyển đổi số để các doanh nghiệp học hỏi và nhân rộng.
Xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ những câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số trong phát triển kinh tế. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ số của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: Thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp... Bên cạnh đó, mỗi UBND quận, huyện, thị xã chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như: Truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Xây dựng mô hình xã/phường/thị trấn/hợp tác xã mẫu về chuyển đổi số để các đơn vị học hỏi và nhân rộng…
Trung tuần tháng 4-2022, Ban Chỉ đạo 06 thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 06/KH-BCĐ về thông tin, tuyên truyền thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua công tác tuyên truyền, giúp các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ về mục tiêu tổng thể của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10) vừa qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động truyền thông nhằm hưởng ứng sự kiện này như tổ chức thông tin, tuyên truyền thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan Đảng, đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc các cấp, cơ quan hành chính nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức hội nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp tổ chức các hội thảo hưởng ứng như: Hội thảo trao đổi nâng cao Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) trên địa bàn thành phố Hà Nội; Hội thảo “Thúc đẩy Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố năm 2022”; Hội thảo đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số…
Thành phố Hà Nội đang xây dựng Nghị quyết về đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô, việc ban hành Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.