(HNM) - Hà Nội có hơn 100.000ha đất nông nghiệp, dư địa cho phát triển cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng rất lớn.
Xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, có nhiều hộ trồng bưởi cho thu nhập cao. Trong đó, gia đình ông Đặng Văn Chung, ở thôn 3, là một trong những người tiên phong trồng bưởi trên địa bàn. Ông Chung chia sẻ, năm 2001, gia đình ông mạnh dạn chuyển 2 sào trồng đu đủ, chuối... kém hiệu quả sang trồng bưởi. Đến nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.
Không chỉ xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, tại nhiều huyện khác như Đan Phượng, Chương Mỹ, Ba Vì… diện tích trồng bưởi đang tăng rất nhanh. Thực tế, những vườn bưởi được đầu tư kỹ thuật tốt, lâu năm cho quả chất lượng cao, có thể cho thu nhập cao hơn các vườn bưởi đại trà rất lớn. Nếu các vườn bưởi đại trà cho thu nhập khoảng 200 đến 300 triệu đồng/ha, thì các vườn bưởi chất lượng cao có thể cho thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 3.800ha trồng bưởi. Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu tăng thêm khoảng 2.000ha bưởi đỏ Tân Lạc, các loại bưởi đặc sản khác (bưởi đào chín sớm, bưởi thồ…) có thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau, tránh được tình trạng thu hoạch ồ ạt dịp cuối năm.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) - một trong những đơn vị được ngành Nông nghiệp Hà Nội chọn tham gia kế hoạch mở rộng diện tích bưởi đỏ Tân Lạc và các giống bưởi đặc sản của Hà Nội năm 2019 chia sẻ: Hiện, 80% diện tích bưởi trên địa bàn xã là bưởi Diễn, địa phương muốn mở rộng diện tích bưởi đỏ Tân Lạc nhằm cân đối cơ cấu giống, thời gian thu hoạch, tránh thu hoạch ồ ạt cùng thời điểm. Còn ông Đinh Văn Đào ở thôn Bưởi (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) thông tin thêm: Trên địa bàn xã có thể mở rộng hàng trăm héc ta để trồng bưởi, tuy nhiên, cây trồng này đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn nên người trồng bưởi rất cần sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật...
Trước những kiến nghị từ cơ sở, bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho hay, Hà Nội không chỉ chủ trương đầu tư kỹ thuật, nguồn lực, kinh phí… cho việc mở rộng diện tích trồng bưởi mà đồng bộ ở mọi khâu, từ thu hoạch, bảo quản đến tiêu thụ tại các vùng bưởi truyền thống. Từ nay đến tháng 9, tháng 10-2019, với diện tích bưởi trồng mới trong quy hoạch, kế hoạch mở rộng sản xuất của thành phố đều được hỗ trợ từ 50% đến 70% chi phí về giống, vật tư, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật… giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định: Hà Nội xác định phát triển các vùng bưởi phải theo hướng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Theo đó, Sở phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện các bước đánh giá chất đất, khí hậu, thổ nhưỡng… trên cơ sở đó để trồng giống bưởi phù hợp với đặc thù vùng miền. Các giống bưởi mới khi đưa vào trồng được tuyển chọn từ cây đầu dòng chất lượng tốt, sạch sâu bệnh kết hợp kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP...
Mặt khác, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã ký hợp đồng thuê khoán kỹ thuật với Viện Nghiên cứu rau quả thực hiện thí điểm bảo quản quả bưởi tươi; đồng thời, ngành Nông nghiệp tiếp tục kết nối tổ, hội, hợp tác xã với các doanh nghiệp nhằm tiêu thụ ổn định cho sản phẩm bưởi đặc sản trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.