(HNM) - Với chất giọng đặc sệt
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. |
Từ mạng xã hội đến đời thực
Năm 2007, khi bắt đầu biết sử dụng blog, tôi quen dần với nickname "Hậu khảo cổ". Dù vậy, do bận công việc nên tôi chưa có dịp tìm hiểu sâu thêm, thậm chí tôi đã suy đoán: có lẽ đây là một trường phái khảo cổ học hậu hiện đại nào đó (!?). Một ý tưởng "hồn nhiên", mà sau này khi đã biết rõ chủ nhân của blog, thỉnh thoảng tôi lại phì cười vì ý nghĩ năm xưa.
Rồi một sự trùng hợp bất ngờ dẫn dắt sự tò mò của tôi đến với người phụ nữ bí ẩn này trên internet. Kết quả, nickname "Hậu khảo cổ" có mặt trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, như: blogspot, yume.vn, facebook… Ở mỗi trang ghé thăm, tôi đều cảm nhận một người phụ nữ cá tính, với những bình luận (comment) dí dỏm, ngắn gọn và gần gũi, thường đem đến hàng trăm các ý kiến và lượt "thích" ("Like") của cư dân mạng. Thế nhưng, bất ngờ hơn cả là những người hâm mộ thường xuyên vào đọc các bài viết của người phụ nữ đã ngoại ngũ tuần này, lại chính là thế hệ 8X, 9X - Điều mà tôi cứ ngỡ, phải là những nghệ sĩ điển trai, những hot girl nóng bỏng mới tạo được sức hút như vậy. Rồi tôi đã tìm ra câu trả lời: Đó là vì "Hậu khảo cổ" là tác giả của nhiều cuốn sách viết về những biến chuyển của cuộc sống đương đại - chủ đề luôn thu hút những người trẻ, dù các văn hóa phẩm nhập ngoại vẫn cứ đập vào mắt họ hằng ngày, hàng giờ trên internet.
Đến khi gặp, tôi đã bất ngờ khi người phụ nữ đó là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh. Ngạc nhiên là bởi "Hậu khảo cổ", trong hình dung của tôi, là một người phụ nữ bình dân, xuề xòa - người có thể sẵn sàng tụ tập với bạn bè trong quán cơm bụi, với những cốc bia hơi Hà Nội. Sau này, tôi phát hiện thêm rằng, những linh cảm đó cũng không hẳn sai, bởi ở người phụ nữ đặc biệt này giao hòa hai nền văn hóa Nam - Bắc rất rõ rệt: vừa có sự nhẹ nhàng, tinh tế, thanh lịch của người Hà Nội, nhưng cũng nổi bật tính cách mạnh mẽ, chân thành, thẳng thắn của người Nam bộ.
Yêu Hà Nội từ những con phố cổ
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu thổ lộ, dù năm nay đã gần 40 năm sinh sống ở miền Nam, nhưng chỉ cần mỗi lần cất giọng "đặc sệt" Hà Nội, ai cũng lầm nơi "chôn rau cắt rốn". Dù vậy, chị có nhiều hơn một quê hương: một - Chợ Mới - An Giang, quê cha; và một - Hà Nội, nơi sinh ra và trưởng thành. Nữ tiến sĩ kể, vào những năm 1954 - 1955, cha mẹ đi theo tiếng gọi của non sông, tình nguyện ra Bắc tập kết. Cũng như hàng vạn các gia đình ở Nam bộ khác, qua gần nửa thế kỷ, khi đã bắt đầu một cuộc sống mới thì một thế hệ trẻ như chị đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội - một thế hệ có hai quê.
Trưởng thành giữa mảnh đất kinh kỳ, ngay từ đầu cô gái mang dòng máu Nam bộ đã được tiếp thu cái hồn tinh túy của văn hóa Bắc bộ. Điều mà sau này nhiều người nhận thấy Nguyễn Thị Hậu: dù làm công tác nghiên cứu trong một lĩnh vực khô khan, thế nhưng tâm hồn thơ mộng, lãng mạn đã thổi một "làn gió" dễ chịu, gần gũi vào công việc thường ngày.
Nói về cái duyên với TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu kể, năm 1975 khi tròn 17 tuổi - cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu" đã bất chợt gieo vào tiềm thức của chị một khao khát cháy bỏng được một lần về miền quê ở phương Nam - nơi mà người thiếu nữ trẻ mới chỉ biết qua những lời kể của cha mẹ. "Tôi luôn cảm ơn định mệnh, cảm ơn chuyến đi lịch sử của cha và mẹ, đã cho tôi có hai quê hương, trong đó Hà Nội là nơi ký ức luôn gọi trở về với những sớm mùa đông, tiếng tàu điện, tiếng ve mùa hè, là hoa violet Hà Nội gần Tết, là đạn bom trong chiến tranh phá hoại của Mỹ...", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu tâm sự.
Một lần về thăm Hà Nội, lúc trở vào Nam, có người bạn hỏi "Hà Nội cũ hay mới?". Chị Hậu chỉ cười: "Hà Nội với mình là của ngày xưa cũ: một Hà Nội dịu dàng sáng sớm gió heo may; một Hà Nội nhẹ nhàng chiều những con đường lá rụng; một Hà Nội của tuổi 17 ngày chia xa; một Hà Nội của tuổi thơ không bao giờ trở lại;…". Trở về Hà Nội, đôi khi cũng có cảm giác quá gần gũi, cần biết thêm cái gì đó mới mẻ hơn nhưng quán tính của ký ức vẫn đủ sức mạnh níu kéo bước chân để rồi chị bật lên những dòng hoài niệm "Bao lần trở về, mình chỉ muốn cùng bạn lang thang chợ hoa Nhật Tân vào lúc rạng sáng, để cùng ngắm những cành hoa đủ màu đủ sắc còn đẫm sương đêm, nồng nàn hương thơm... Thỉnh thoảng, mình lại muốn cùng bạn chầm chậm theo sau gánh hàng hoa, chỉ vì màu vàng đến nao lòng của cúc mùa thu phía sau tấm lưng ong cần mẫn của những người chị, người cô đang âm thầm làm đẹp cho thành phố...".
Tự hào về nơi mình được sinh ra, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng là người dành nhiều thời gian nghiên cứu và đóng góp vào công trình khảo cổ học và bảo tồn di sản văn hóa. Với chị, hạnh phúc là những chuyến đi tìm kiếm di vật của lịch sử còn nằm sâu trong lòng đất cần người khám phá, đồng thời mang những di sản lịch sử - văn hóa đến với mọi người dân. Báo chí từng có thời gian sôi động khi thông tin về lần đầu tiên trưng bày "Cổ vật Hoàng thành Thăng Long" - chương trình do Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu tham gia tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP Hồ Chí Minh.
Trong câu chuyện riêng, người nữ sĩ đó ít nhắc tới chuyện gia đình. Tôi cũng giữ tế nhị không quá tò mò. Thế nhưng, khi nhìn những bức ảnh về bữa ăn nhanh, những món ăn dân dã nhưng không kém chu đáo chia sẻ trên fecebook, tôi biết rằng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu còn là người của gia đình. Cân đối giữa công việc nghiên cứu, quản lý, vốn tốn nhiều tâm trí, với bên còn lại là văn chương, gia đình, bè bạn… quả là một công việc không hề dễ dàng trong cuộc sống của một phụ nữ hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.