(HNMO) - Ngày 27-8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội có báo cáo gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, của Chính phủ (Nghị quyết số 68/NQ-CP) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg) trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các ngành, địa phương đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm, tháo gỡ.
Về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định rõ: Người lao động được hỗ trợ khi thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điều 17). Trong thành phần hồ sơ giải quyết chế độ người lao động ngừng việc phải có “Bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021” (điều 19).
Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động trong các khu vực phong tỏa (tòa nhà, khu dân cư) không được nhận quyết định phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc cung cấp bản sao để giải quyết chế độ gặp nhiều khó khăn.
Về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ hỗ trợ cho đối tượng F1 đã hoàn thành cách ly, tại khoản 4, điều 27 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định, hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F1 đã kết thúc cách ly gồm 4 loại giấy tờ, trong đó có “Biên nhận thu tiền ăn của cơ sở cách ly”. Nhưng trên thực tế, đa số đối tượng F1 không có giấy biên nhận thu tiền ăn (cơ sở cách ly không cấp hoặc đã cấp nhưng đánh mất hoặc chuyển khoản chung cả nhóm). Vì vậy, nhiều quận, huyện không thu được hồ sơ, hoặc có rất ít hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Với chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, điều 38 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định, người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, việc quyết toán thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động thì để hoàn thành quyết toán cần thời gian khá dài.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay, việc quyết toán thuế của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện này, dẫn đến số doanh nghiệp được vay vốn trả lương còn thấp.
Về đối tượng hỗ trợ, tại điểm 4, điểm 6, mục II của Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định, người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được hưởng chính sách hỗ trợ khi tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp). Điều này đồng nghĩa, những người lao động làm việc tại hộ kinh doanh và các loại hình sản xuất kinh doanh khác phải tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động, do tác động bởi dịch Covid-19, nếu đủ điều kiện theo quy định cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Thêm vào đó, trên thực tế, nhiều người lao động chưa ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Vì thế, một bộ phận người lao động không đủ điều kiện để nhận được gói hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, người lao động không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm làm việc tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các đơn vị khác không phải là đối tượng đặc thù của từng địa phương, mà chung của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Vì thế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị bổ sung đối tượng nêu trên được hưởng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; đồng thời quy định về điều kiện được hưởng và trình tự thủ tục để áp dụng trong toàn quốc...
Trước những vướng mắc xuất phát từ thực tiễn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tháo gỡ và tổng hợp cáo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương đưa nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội đến các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, kịp thời.
Với những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giải đáp và hướng dẫn cách thức triển khai.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.