Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội kích cầu tiêu dùng góp phần phục hồi kinh tế

Thanh Hiền| 03/10/2021 07:39

(HNM) - Xác định triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động), các chương trình, đề án của Chính phủ, Bộ Công Thương là giải pháp quan trọng thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng góp phần phục hồi kinh tế.

Khách mua sản phẩm nông sản Việt tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy).

Theo đó, Ban Chỉ đạo đã đẩy mạnh triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo cũng phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh lưu thông, phân phối hàng hóa, thông qua việc tổ chức "Hội chợ hàng hóa sản phẩm vì người tiêu dùng", "Tuần hàng Việt", "Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội", giới thiệu cho các tỉnh, thành phố 24 địa điểm tổ chức điểm bán trái cây, nông sản mùa vụ tại Hà Nội...; phối hợp với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La... mời các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, trái cây tham gia điểm cầu trực tuyến các Hội nghị xúc tiến, tiêu thụ trái cây, nông sản các địa phương (vải thiều Hải Dương, Bắc Giang; xoài, nhãn Sơn La; nhãn Hưng Yên...); giới thiệu nguồn cung nông sản thực phẩm, trái cây mùa vụ, 2.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của trên 20 tỉnh, thành phố có khó khăn trong việc tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chế biến Hà Nội để hỗ trợ tiêu thụ...

"Trong đó, Sở Công Thương đã đẩy mạnh hỗ trợ các tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chế biến của Hà Nội. Nhờ đó, các tỉnh, thành phố đã tiêu thụ được 74.000 tấn sản phẩm, trị giá 920 tỷ đồng thông qua hệ thống bán lẻ, chế biến của thành phố", bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Trưởng ban tổ chức Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2021 cho biết.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi Hà Nội thực hiện giãn cách, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải cấp mã QR đăng ký "luồng xanh" cho khoảng 2.500 ô tô, 9.500 xe máy vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa, tăng cường bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, tiếp nhận và chấp thuận cho 13.300 website/ứng dụng thương mại điện tử hoạt động...

Để đẩy mạnh triển khai thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố tiếp tục triển khai Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2021. Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã liên tục mở rộng đối tượng tham gia, cải tiến và cập nhật các hình thức bình chọn, truyền tải thông điệp ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. Riêng trong năm 2020, Chương trình bình chọn thu hút 103 doanh nghiệp với 189 sản phẩm thuộc 12 nhóm sản phẩm, dịch vụ tham gia. Qua đó chọn ra 141/189 sản phẩm, dịch vụ được vinh danh là sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2020 (từ năm 2010 đến nay, qua 11 kỳ tổ chức đã có 1.088 sản phẩm, dịch vụ của 823 doanh nghiệp được bình chọn là hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích).

Chương trình bình chọn năm 2021 được triển khai từ tháng 7 đến tháng 11, dự kiến thu hút 100-150 doanh nghiệp thuộc 12 nhóm sản phẩm và 6 nhóm ngành dịch vụ tham gia. "Điểm mới năm nay là nâng cấp nội dung giao diện nền tảng website www.binhchon hangviet.com.vn, thành "Triển lãm trực tuyến và bình chọn sản phẩm, dịch vụ hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin. Chương trình cũng bổ sung nội dung giới thiệu "Sản phẩm, dịch vụ tham gia gian hàng Việt trực tuyến" của Bộ Công Thương và "Sản phẩm, dịch vụ giới thiệu tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài"; hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tham gia, người tiêu dùng tham gia các hoạt động bình chọn trực tuyến và trực tiếp (bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19); giải đáp thông tin qua Tổng đài 024.1081.

Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động và tổ chức Chương trình bình chọn năm 2021 không chỉ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xây dựng thương hiệu, mà còn góp phần phát triển kinh tế thành phố. Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội kích cầu tiêu dùng góp phần phục hồi kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.