Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội kích cầu du lịch: Nỗ lực “kéo khách đến nhà”

Thu Trang| 08/05/2013 05:51

(HNM) - Ngày 7-5, Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VH, TT& DL Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2013.

Môi trường du lịch thân thiện, sản phẩm phong phú... chính là những yếu tố thu hút du khách. Ảnh: Trung Kiên


Tăng tính liên kết

Theo kế hoạch triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2013, ngành du lịch Hà Nội sẽ chú trọng phát triển du lịch nội địa nhân các ngày nghỉ, các ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện được tổ chức trong năm. Đặc biệt, vào mùa thấp điểm sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí, các điểm mua sắm giảm giá... Ngoài ra, ngành du lịch sẽ khuyến khích hệ thống khách sạn áp dụng các chính sách khuyến mãi khác, chẳng hạn như khách ở ba đêm được miễn phí một đêm, giảm giá các dịch vụ trong khách sạn…

Đề cập đến hiệu quả của chiến dịch kích cầu đối với ngành du lịch, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng cho rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi tiêu và hạn chế nhu cầu du lịch của người dân. Vì vậy, việc phát động chính sách kích cầu vào thời điểm này là vô cùng cần thiết, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng tăng trưởng ổn định. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, tại các điểm đến trong và ngoài nước ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt. Nhiều điểm du lịch nước ngoài không chỉ cung cấp cho du khách chất lượng dịch vụ tốt mà giá cả đưa ra cũng rất hợp lý, phù hợp túi tiền. So với thị trường khu vực Đông Nam Á, giá tour du lịch ở Việt Nam thường cao hơn, khó cạnh tranh. Trước mắt, ngành du lịch Hà Nội đang hợp tác với các thành phố thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch Châu Á (CPTA) xây dựng và vận hành sản phẩm One Asia Pass. Nghĩa là, nếu du khách chọn 2 thành phố thuộc CPTA trong chuyến hành trình thì sẽ được hưởng mức giá ưu đãi đặc biệt. Hiện nay, Kuala Lumpur (Malaysia) - thành phố thành viên CPTA đang chào bán tour trọn gói 4 ngày/3 đêm với giá 96 USD. Mức giá hấp dẫn, lại cam kết bảo đảm du khách được ở khách sạn từ 3 sao trở lên, có xe đưa đón tại sân bay, phục vụ ăn uống 3 bữa/ngày, điều đó có tác dụng rất lớn trong việc kích cầu du lịch. "Trước sức hút từ giá tour của nước bạn, tour nội địa muốn thu hút khách trong và ngoài nước thì cần có sự liên kết chặt chẽ của tất cả doanh nghiệp du lịch, từ khách sạn, nhà hàng đến cửa hàng bán đồ lưu niệm và đặc biệt là vai trò không thể thiếu của hàng không". - Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thời gian qua, trên các website, không ít doanh nghiệp lữ hành trong nước đã tung ra chiêu giảm giá "sốc". Thế nhưng, khách sạn tiêu chuẩn 3 sao chỉ có trên hợp đồng, còn thực tế là khách phải ở nơi có chất lượng… tương đương phòng trọ bình dân, nằm cách xa khu trung tâm. Nhà hàng đặc sản như thể quán cơm bình dân, gọi thêm món thì bị tính giá "trên trời"… Trước thực tế trên, giới doanh nghiệp lữ hành cho rằng, cùng với việc đưa ra chiến dịch kích cầu, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải tìm cách kiểm soát việc thực hiện chương trình một cách nhất quán, có chế tài và biện pháp xử phạt nặng đối với những đơn vị cố tình làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và thực hiện không đúng cam kết, làm sao để du lịch có thể nói được và làm được chứ không chỉ… nói suông.

Không thể mãi "ăn xổi ở thì"

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, để du lịch Việt vững vàng vượt qua "bão" khủng hoảng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay, giải pháp kích cầu bằng giảm giá mới chỉ là tình thế. Muốn ngành "công nghiệp không khói" thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, có chiều sâu thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chú trọng việc tạo ra sản phẩm mới, có điểm nhấn, nâng cao tính chuyên nghiệp, cải thiện thái độ phục vụ của người làm du lịch… Cần tránh kiểu kinh doanh "chộp giật", tận thu như vừa xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Lo ngại trước những "hạt sạn" làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút khách trong thời điểm khó khăn như hiện nay, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, tình trạng bắt chẹt khách là hiện tượng xảy ra nhiều năm ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, công tác chấn chỉnh của chính quyền và các cơ quan chức năng không kiên quyết và triệt để. "Nếu đưa ra mức giá hấp dẫn cùng với chất lượng phục vụ tốt, biết cách khai thác tiềm năng du lịch thì chiến dịch kích cầu mới thực sự đạt hiệu quả, mới có thể đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực." - Ông Lưu Đức Kế nói.

Nhiều đơn vị lữ hành nhận thức rõ tình hình càng lúc càng khó khăn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, không thể cứ mãi kinh doanh theo lối "ăn xổi ở thì". Cả ngành du lịch cần hợp lực để phát triển chứ không thể mạnh ai nấy làm, phá giá, tăng giá vô tội vạ như hiện nay. Không chỉ khuyến mãi, giảm giá để kích cầu mà đòi hỏi sản phẩm phải đa dạng, luôn thay đổi để hấp dẫn khách, đơn giản vì với khách có thu nhập khá (Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…), chất lượng phục vụ mới là mối quan tâm hàng đầu của họ. Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, nhiều danh thắng độc đáo và đó là cơ hội để phát triển loại hình du lịch - văn hóa, du lịch - mạo hiểm, tạo sự khác biệt so với các nước trong khu vực. Nhưng muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải có cách làm khác so với trước, quan trọng là chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ đàng hoàng để tạo chữ "tín" trong mắt khách.

Đừng "chặt chém", đừng chộp giật nữa!

Tại hội nghị, trang mạng của chương trình kích cầu du lịch năm 2013 (www.timelesscharm.org.vn) đã chính thức ra mắt. Website có chức năng tra cứu, quảng bá thông tin về các sản phẩm du lịch, dịch vụ, điểm đến, chính sách ưu đãi… Đặc biệt, các đơn vị tham gia chương trình kích cầu sẽ được giới thiệu miễn phí trên website này.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội kích cầu du lịch: Nỗ lực “kéo khách đến nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.