(HNMO) - Để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đề xuất tập trung kêu gọi đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Đối với những công viên công cộng, công viên mở phục vụ nhân dân sẽ được xây dựng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giảm chi phí đầu tư và chi phí duy tu, duy trì và thực hiện bằng đầu tư công.
Cải tạo 45 công viên trên địa bàn 10 quận
Báo cáo về công tác quản lý, khai thác, sử dụng và đầu tư công viên trên địa bàn thành phố tại hội nghị giao ban quý I-2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về một số nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội chủ trì tổ chứcsáng 31-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra, thành phố còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý.
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, xác định cải tạo, nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận. Hoàn thành xây dựng mới 6 công viên trong giai đoạn 2021-2025: Công viên Chu Văn An; Công viên CV1; Công viên Khu Đô thị Tây Nam Hà Nội; Công viên văn hóa Kim Quy; Công viên hồ Phùng Khoang; Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, Thể thao quận Hà Đông. Đôn đốc triển khai 3 công viên, gồm: Công viên Thiên văn học, Công viên - hồ điều hòa Mai Dịch, Công viên Hữu Nghị.
Theo đồng chí Dương Đức Tuấn, đối với 5 công viên do thành phố quản lý, có 4 công viên nằm trong Kế hoạch cải tạo nâng cấp (Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình), riêng Công viên Lê Nin đã được UBND quận Ba Đình đầu tư, nâng cấp đồng bộ từ năm 2017 và hiện chỉ duy tu sửa chữa nhỏ.
Đối với các công viên do quận, huyện, thị xã quản lý, cuối năm 2022, UBND quận Tây Hồ đã cải tạo được 3/5 điểm xung quanh Vườn hoa hồ Trúc Bạch; UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng Vườn hoa Diên Hồng; UBND quận Long Biên đã khởi công cải tạo Vườn hoa Ngọc Lâm, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2023. Ngoài ra, UBND các quận đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, dự kiến trong năm 2023 sẽ thực hiện cải tạo 11 vườn hoa, 1 công viên.
UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành theo đúng kế hoạch với 9 công viên xây mới; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển khu đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.
Thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở, phù hợp với hiện trạng và khu vực liền kề. Đối với các dự án xã hội hóa, thành phố chỉ đạo đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành việc đầu tư công viên, vườn hoa theo dự án đã được phê duyệt. Trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, thành phố sẽ thực hiện thu hồi giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển sang hình thức đầu tư công.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công viên
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc thành phố tập trung nguồn lực khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ nhân dân, nhất là tạo các công viên mở.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp 4 công viên hiện có và đầu tư thêm 6 công viên. Trong quá trình thực hiện, Sở đã tham mưu thành phố đẩy mạnh phân cấp cho các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án này.
Theo đồng chí Võ Nguyên Phong, thời gian qua, một số quận như Hoàn Kiếm, Long Biên đã làm tốt việc này. “Đối với các công viên: Bách Thảo, Thủ Lệ và Thống Nhất, thành phố tiếp tục chỉnh trang theo hướng công viên mở. Trong đó, Công viên Thủ Lệ tiếp tục thu vé vì có chăn nuôi thú và mỗi năm, đơn vị này thu được khoảng 15 tỷ đồng nhưng thành phố phải bù lỗ khoảng 30 tỷ đồng”, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.
Về công tác quản lý, khai thác, sử dụng và đầu tư công viên trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã cải tạo, nâng cấp được 8 vườn hoa và đang tiếp tục công việc này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quận gặp nhiều khó khăn do các vườn hoa này nằm trong các khu tập thể cũ, phải chờ quy hoạch chi tiết. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng vì các hộ dân lấn chiếm nhiều năm qua. Đối với các công viên, vườn hoa xây mới, quận có kế hoạch đầu tư 22 công viên, vườn hoa và đến nay đã hoàn thành 5 điểm, chủ yếu là nhỏ lẻ vì trên địa bàn không có các khu đất rộng.
Trao đổi về các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân thông tin, thành phố chỉ quản lý 5 công viên, còn lại phân cấp cho các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Thời gian qua, việc xây dựng các vườn hoa mini tại các địa phương được triển khai tốt. Để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng các công viên chuyên đề, đồng chí Lê Anh Quân cho rằng cần công khai các quy hoạch; đồng thời, thống kê phạm vi rộng hơn trên toàn thành phố để có bức tranh tổng thể về các công viên, vườn hoa cần đầu tư xây dựng, bởi đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.