(HNMO) - Tâm lý của các thí sinh và phụ huynh khá thoải mái, không nhiều áp lực cho dù năm nay số lượng học sinh thi vào lớp 10 THPT tăng đột biến so với năm ngoái.
Năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 tăng 22.000 học sinh, nhưng nhiều phụ huynh cho biết không tạo áp lực cho con. |
Tâm trạng năm “Dê vàng”
Năm nay, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS thi vào 10 THPT tăng 22.000 người so với năm trước. Đây là tăng cơ học do nhiều phụ huynh chọn năm “Dê vàng” (Quý Mùi) để sinh con. Cũng vì áp lực về số lượng học sinh tăng nên nhiều phụ huynh, học sinh từ nhiều tháng nay đã chuẩn bị tâm lý trong kỳ thi tuyển chọn lớp 10 THPT.
Kỳ thi xét tuyển THPT tại Hà Nội diễn ra vào đúng thời điểm nắng nóng gay gắt. Để tránh tắc đường và “trốn nắng”, từ 6h sáng nhiều phụ huynh đã đưa con đến các điểm thi tập trung.
Chị Phạm Thị Năm (sống tại phố Phan Đình Giót) đưa con gái là Nguyễn Thị Thu Hiền đến điểm thi tại Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa) từ sớm. Chị Năm cho biết, từ 5h30 sáng, hai mẹ con đã thức dậy để chuẩn bị cho kỳ thi, cũng để con có được tâm lý tốt nhất.
Vừa cầm quyển hướng dẫn ôn thi, cô học trò Nguyễn Thị Thu Hiền tâm sự: “Từ học kỳ 2, em đã bắt đầu ôn thi. Bố mẹ em không đặt áp lực cho em và luôn nói rằng, đừng lo lắng quá vì con có nhiều lựa chọn trường khác, bởi thế, dù khá hồi hộp nhưng em tự tin khi bước vào kỳ thi”.
Chị Phạm Thị Năm và con gái Nguyễn Thị Thu Hiền tại điểm thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội). |
Sáng nay, các học sinh bắt đầu với môn ngữ văn. Nhiều học sinh khi được bố mẹ đưa đến điểm thi tranh thủ mở cuốn hướng dẫn thi để ôn luyện kiến thức. Cậu học sinh Nguyễn Văn Cường vừa lầm lũi đi lại vừa lẩm nhẩm lại các kiến thức đã học. Em chia sẻ, vì không giỏi môn văn nên em tranh thủ ôn lại một số kiến thức. Việc xem lại bài cũng để cảm thấy yên tâm hơn trước khi vào phòng thi.
Anh Lưu Công Thường, chú ruột của học sinh Lưu Công Kỳ Anh, dặn dò cháu trai cẩn thận trước khi vào phòng thi: “Nhớ không được dùng điện thoại trong phòng thi, đọc kỹ đề bài rồi mới làm nhé!”.
Tại điểm thi Trường THPT Trần Nhân Tông, chị Mai Hương (Minh Khai, Hà Nội), phụ huynh em Dương Huy (THCS Trưng Nhị), cho biết, chị đã nghiên cứu kỹ và quyết định chọn cho con Trường THPT Việt Đức là nguyện vọng 1, Trường THPT Trần Nhân Tông nguyện vọng 2.
So với các bạn cùng lớp, Dương Huy không học thêm nhiều, đến năm lớp 9 em mới tập trung tối đa để luyện thi. “Em tự tin ở bài thi toán hơn bài thi văn”, Huy chia sẻ.
Nhiều học sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi. |
Đúng 10h, sau khi hoàn thành xong môn thi ngữ văn, nhiều học sinh tỏ ra hoan hỉ vì làm được bài, nhưng cũng có không ít thí sinh lo lắng vì đề thi có nhiều câu hỏi bất ngờ. Em Dương Hà Linh (Trường THCS Trưng Nhị) cho biết, đề thi văn năm nay khá bất ngờ vì có câu hỏi của phần văn học lớp 7, yêu cầu ghi lại chính xác câu thơ trong một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng. Do tập trung ôn toàn diện nên Linh có thể nhớ lại nội dung mà thầy cô đã giảng trên lớp để hoàn thành bài thi. Học sinh Trần Nguyễn Gia Khánh (Trường THCS Vinschool) cũng đánh giá đề thi năm nay không chênh lệch với năm ngoái về độ khó, nên em này tự tin hoàn thành tốt bài thi của mình.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng, đề thi năm nay không quá đánh đố thì vẫn có những học sinh lo lắng vì có yếu tố bất ngờ. Theo em Phạm Phương Anh (THCS Trưng Nhị), thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, đề thi năm nay vừa sức, song lại chia sẻ rằng, do không quá tập trung ôn tập văn học lớp 7 nên đã bỏ qua câu 3 phần 1 có số điểm 0,5 để dành thời gian hoàn thành các câu khác.
Không đặt nhiều áp lực
Theo thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm nay số lượng thí sinh tăng cao (tăng khoảng 22.000 học sinh) và số điểm thi cũng tăng cao (185 điểm thi so với 153 điểm thi của năm ngoái). Học sinh thi THPT có duy nhất chứng chỉ nghề được cộng điểm khuyến khích: 1,5 điểm cho người xếp loại giỏi; 1 điểm cho người xếp loại khá và 0,5 cho loại trung bình.
Để giải quyết các áp lực do số học sinh tăng đột biến, Sở GD-ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu cho 112 trường THPT công lập tuyển mới 64.990 học sinh (chiếm tỷ lệ 62%, tăng 12.330 chỉ tiêu so với năm học trước); giao cho 8 trường THPT công lập tự chủ tuyển mới 2.790 chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 2,7%, tăng 730 chỉ tiêu). Cùng đó, Sở giao chỉ tiêu cho 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tuyển mới 8.050 học viên (chiếm tỷ lệ 7,7%, tăng 1.770 chỉ tiêu so với năm học trước).
Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT ngoài công lập năm học 2018-2019 cũng tăng hơn 10.000 học sinh. Số học sinh hoàn thành chương trình THCS dự kiến tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề năm học 2018-2019 chiếm khoảng 6%, tương đương 6.350 học sinh.
Chị Phạm Thị Thu Hằng cho biết, gia đình đã nghiên cứu thêm trường học nghề cho con. |
Sáng nay, trao đổi với HNMO, chị Phạm Thị Thu Hằng, phụ huynh học sinh đưa con đi thi tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) tâm sự, gia đình chị không đặt áp lực con phải thi đỗ THPT công lập. Mặc dù đã chọn cho con nguyện vọng 1 là Trường THPT Trần Hưng Đạo, nguyện vọng 2 Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa), song chị Hằng vẫn tiếp tục nghiên cứu các trường học nghề để có định hướng cho con từ sớm.
“Nhiều phụ huynh lớp con trai tôi đã chọn trường nghề cho con học thay vì thi THPT. Tôi nghĩ rằng, quan trọng là sau này con thích làm nghề gì, nếu chọn trường nghề cho con từ bây giờ cũng là xu hướng tốt”, chị Hằng cho biết.
Đồng quan điểm này, chị Bùi Mai Hương, có con thi THPT bày tỏ, không bị áp lực vì số lượng học sinh thi năm nay cao hơn năm ngoái, bởi tại Hà Nội đã có thêm nhiều trường dân lập và xu hướng chọn trường nghề cho con cũng đang được phụ huynh, học sinh hướng đến.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đang diễn ra trong không khí sôi nổi. Có thể nhận thấy, mặc dù năm nay số lượng học sinh dự thi tăng đột biến nhưng các phụ huynh và học sinh không chịu quá nhiều áp lực bởi học sinh Hà Nội đã có thêm nhiều lựa chọn cho tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.