(HNMO) - Chiều nay (9-8), áp thấp nhiệt đới đã mạnh thành bão số 2, có tên quốc tế là Mulan. Từ chiều tối và đêm mai (10-8) đến ngày 12-8, Hà Nội mưa to đến rất to. Cơ quan phòng, chống thiên tai yêu cầu cơ quan, đơn vị khẩn cấp triển khai phương án ứng phó.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều nay (9-8), áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 2 năm 2022 và có tên quốc tế là Mulan.
Dự báo, bão số 2 sẽ di chuyển lên phía Bắc, sau đó đổi hướng Tây Bắc hướng về khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Nhiều khả năng, bão số 2 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực vịnh Bắc Bộ, đất liền các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc trong những ngày tới.
Cụ thể hơn, từ chiều tối và đêm mai, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi cao hơn 90mm; trong đó, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 120mm.
Ngày và đêm 11-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi cao hơn 150mm; tỉnh Nghệ An phổ biến 30-60mm, có nơi cao hơn 70mm. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trên đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng khu vực trũng, thấp và các đô thị.
Từ chiều tối và đêm mai đến ngày 12-8, Hà Nội có mưa to đến rất to và dông (mưa to tập trung vào đêm 10 và ngày 11-8). Tổng lượng mưa từ chiều tối mai đến ngày 12-8, tại khu vực trung tâm và các huyện phía Bắc, phía Tây thành phố 120-180mm, có nơi cao hơn 180mm; các huyện phía Nam 100-150mm, có nơi cao hơn 150mm...
Trước dự báo trên, chiều 9-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, kịp thời thông tin, cảnh báo đến người dân để chủ động phòng tránh; rà soát các phương án ứng phó thiên tai, sự cố; kiểm tra các khu vực đê điều trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công, chủ động ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của bão, bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở những vùng trũng, thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Tổ chức kiểm tra, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình tiêu thoát nước trên địa bàn; sẵn sàng triển khai phương án tiêu úng, bảo vệ, phục hồi sản xuất và bảo đảm đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Các quận, huyện, thị xã rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ" sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội sẵn sàng triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là các quận nội thành.
Các công ty thủy lợi chủ động phương án vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu nước đệm, đặc biệt là các khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp.
Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh cắt tỉa cành cây, chằng chống, chuẩn bị lực lượng ứng trực, kịp thời giải tỏa cây đổ khi mưa to, gió lớn.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các đơn vị liên quan bảo đảm phương án cấp điện phục vụ tiêu úng chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.