Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội: Mực nước nhiều hồ chứa vượt quá cao trình thiết kế

Kim Nhuệ 25/07/2024 - 15:58

Lúc 10h sáng 25-7, mực nước các hồ: Đồng Đò (huyện Sóc Sơn), Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu (huyện Chương Mỹ), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức)... đều vượt mức thiết kế.

Người dân xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) kịp thời khắc phục sự cố đê bao. Ảnh Hoàng Sơn
Người dân xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) kịp thời khắc phục sự cố đê bao. Ảnh: Hoàng Sơn

Huyện Quốc Oai cho biết, mưa, lũ lớn những ngày vừa qua đã làm sụt lún cống tiêu qua đê bao Phú Bình; sạt lở 3-5m2 bờ kè sông Tích, đoạn xã Cộng Hòa; tràn 800m đê bao Minh Khai, trong đó có 20m bị sạt trượt...

Còn huyện Ứng Hòa thông tin, mưa lũ lớn đã làm sạt lở 10m đê tả Đáy (đoạn xã Viên An), vị trí sạt sâu nhất là 0,9m, vị trí gần nhất của cung sạt cách mép mặt đê 2,8m.

Tại huyện Phú Xuyên, mưa lớn làm sạt 50m kênh sông Bút, đoạn xã Minh Tân; sạt 30m kênh sông Duy Tiên, đoạn xã Châu Can; sạt và tràn bờ kênh Máng Tám, đoạn xã Hồng Thái; tràn và sạt kênh Nách Bạc tại xã Bạch Hạ; sạt 20m mái ngoài kênh I29 tại thị trấn Phú Xuyên; sạt 20m mái bờ kênh sông Nhuệ tại xã Tân Dân. Tại Thanh Oai, mưa lớn làm tràn 310m kênh Yên Cốc, đoạn xã Liên Châu và Đỗ Động...

Các huyện khẳng định, ngay sau khi phát hiện sự cố, các đơn vị, địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục ngay từ giờ đầu.

Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức vận hành tối đa công trình tiêu, giảm úng ngập khu dân cư, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Mỹ Đức. Ảnh Bảo Châu
Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức vận hành tối đa công trình tiêu, giảm úng ngập khu dân cư, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Mỹ Đức. Ảnh: Bảo Châu

Về tình hình ngập úng, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội cho biết, tính đến 7h sáng 25-7, mưa lớn đã làm úng ngập 405ha sản xuất nông nghiệp ở huyện Đông Anh, 451ha ở huyện Gia Lâm, 223ha ở huyện Mê Linh.

Còn Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy thông tin, mưa lũ lớn làm úng ngập 76ha sản xuất nông nghiệp ở huyện Đan Phượng, 555ha ở huyện Hoài Đức, 4.005ha ở huyện Thanh Oai...

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ chiều qua đến sáng nay, thành phố Hà Nội mưa nhỏ, lượng mưa dưới 10mm. Tuy nhiên, mực nước các sông nội địa, hồ thủy lợi vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, lúc 10h sáng nay, mực nước các hồ: Đồng Đò (huyện Sóc Sơn), Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu (huyện Chương Mỹ), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức)... đều vượt mức thiết kế.

Mực nước sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ vẫn ở mức cao, gây úng ngập nhiều khu dân cư sinh sống ven sông. Ảnh Bảo Châu
Mực nước sông Bùi vẫn ở mức cao, gây úng ngập nhiều khu dân cư của huyện Chương Mỹ.
Ảnh: Bảo Châu

Còn trên sông Bùi (đoạn huyện Chương Mỹ), mực nước đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; hiện ở mức 7,29m, vượt báo động lũ cấp III là 0,29m. Đến 19h tối nay 25-7, mực nước sông Bùi có thể xuống mức 7,2m. Trên sông Tích, đoạn huyện Quốc Oai, Thạch Thất, nước đang xuống chậm; hiện ở mức 8,33m, vượt báo động lũ cấp III là 0,33m. Đến 19h tối nay, mực nước sông Tích có thể xuống mức 8,25m. Trên sông Nhuệ, đoạn huyện Phú Xuyên là 4,27m (dưới báo động lũ cấp II là 0,13m)...

Ngược lại, do các hồ thủy điện mở cửa xả lũ nên mực nước các sông Hồng, Đà, Đuống, Đáy, đoạn qua địa phận Hà Nội tiếp tục lên; trong đó, sông Hồng có thể đạt mức 6,5m (dưới báo động lũ cấp I là 3m) vào sáng mai (26-7).

Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, chiều tối và đêm nay, thành phố Hà Nội có lúc mưa rào kèm dông, lốc, sét bắt đầu từ các huyện: Đông Anh, Mê Linh và các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông, sau đó lan sang khu vực lân cận. Người dân Thủ đô, nhất là các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Hà Đông, tiếp tục đề phòng nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp và đời sống...

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội có công điện đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung khắc phục các sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; vận hành tối đa hệ thống tiêu úng khi đủ điều kiện; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn...

“Lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước thành phố nếu lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân”, Công điện nêu rõ.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến trưa 25-7, bão và hoàn lưu bão số 2 đã làm 5 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương; 639 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 25.330ha lúa, 2.686ha hoa màu bị ngập úng; 44 gia súc và 7.734 gia cầm bị chết, cuốn trôi; 694 điểm giao thông bị sạt lở; 54 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 7 điểm trường, 4 nhà văn hóa bị ngập...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Mực nước nhiều hồ chứa vượt quá cao trình thiết kế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.