(HNMO)- Sau khi những thông tin về kẹo phát sáng chứa chất gây ung thư được đăng tải trên các báo, mặt hàng này hầu như không còn được công khai bày bán nữa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV HNMO, vẫn còn một số người bán hàng rong lén lút tiêu thụ mặt hàng này trước cổng một số trường học.
(HNMO)-Sau khi những thông tin về kẹo phát sáng chứa chất gây ung thư được đăng tải trên các báo, mặt hàng này hầu như không còn được công khai bày bán nữa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV HNMO, vẫn còn một số người bán hàng rong lén lút tiêu thụ mặt hàng này trước cổng một số trường học.
Học sinh vẫn dễ dàng tìm mua những chiếc kẹo phát sáng tại cổng trường |
Tại các quán “cóc” xung quanh cổng trường tiểu học Đặng Trần Côn A (Thanh Xuân) hầu hết các cửa hàng đều đưa ra câu trả lời là “Không có” khi được hỏi mua kẹo phát sáng. Thậm chí, một chủ hàng còn khẳng định: “Kẹo này gây ung thư, bị cấm bán rồi. Ở đây không có chỗ nào bán nữa đâu”.
Nhu cầu mua loại kẹo này của học sinh không còn cao nữa sau khi có thông tin loại kẹo mút này có chứa chất gây ung thư. Khi tôi hỏi về kẹo phát quang, một cậu học sinh lớp 3 tại trường Tiểu học Dịch Vọng A nói rất hồn nhiên: “Cô đừng mua kẹo đấy. Mẹ cháu bảo nó gây ung thư đấy”.
Tuy nhiên, một số ít kẹo phát quang vẫn còn được bán cho học sinh một cách lén lút ở cổng trường học như: Trường Tiểu học Dịch Vọng A, Trung học cơ sở Nghĩa Tân (Cầu Giấy)... Tại cổng trường Tiểu học Dịch Vọng A, người bán mặt hàng cấm này lại có lý lẽ riêng của mình: “Bây gờ công an cấm rồi, nhưng muốn mua thì cô vẫn có. Kẹo đó không có vấn đề gì cả, chỉ có cái que là phát sáng thôi!”. Cô còn chia sẻ “Ngày trước khi chưa cấm ngày bán được cả chục hộp (mỗi hộp 20 que kẹo) chứ bây giờ thì ít lắm”.
Những chiếc kẹo phát quang xuất sứ từ Trung Quốc được cô bán hàng giấu kín bởi “Phải cất đi không công an họ đi kiểm tra mà phát hiện có là sẽ bị phạt đấy”. Nhưng ngay khi được hỏi mua với số lượng lớn cho mấy đứa cháu ở quê, cô chủ vẫn niềm nở: “Cô vẫn còn mấy hộp đây, nhưng để ở nhà, có lấy thì sáng mai cô mang ra cho.”
Khác với người bán hàng tại cổng trường Tiểu học Dịch Vọng A, trước cổng trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân, kẹo phát sáng lại được bán công khai bởi một người bán hàng rong. Và để thu hút khách hàng nhí, người bán chào hàng rất niềm nở “Vừa mút kẹo lại vừa được chơi. Kẹo phát sáng rất đẹp”.
Tôi đã mua được hai cây kẹo phát sáng của người bán hàng rong ở cổng Trường Tiểu học Dịch Vọng A và Trường THCS Nghĩa Tân để về xem. Theo đó, trên vỏ cả hai chiếc kẹo đều không có hạn sử dụng và không có bất cứ một từ tiếng Việt nào để cảnh báo không được ngậm hay cắn phần đuôi kẹo bằng nhựa chứa chất lỏng phát sáng. Dấu hiệu cảnh báo duy nhất trên bao bì mang ý nghĩa: “Cấm trẻ em dưới 3 tuổi”.
Thiết nghĩ, ở lứa tuổi hiếu động của các em, việc cắn và ngậm phần que kẹo có khả năng phát sáng là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, ai sẽ chịu trách nhiệm về tác hại của hóa chất trong cán kẹo và cả những tác hại lâu dài của nó?
Thông qua những thông tin được cung cấp kịp thời trên báo chí, ít nhất đại bộ phận phụ huynh, học sinh đã có ý thức nhất định về tác hại của kẹo phát sáng và cảnh báo cho con mình “tẩy chay” mặt hàng này. Tuy nhiên, việc vẫn còn những người bán kẹo phát sáng (dù công khai hay lén lút) cũng là nguy cơ tiềm tàng với các em…ham của lạ. Do đó, dù “cầu” còn ít nhưng vẫn cần dập tắt triệt để nguồn “cung” để bảo vệ cho chính con em chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.