Kinh tế

Hà Nội: Hầu hết chỉ tiêu năm 2023 đạt cao hơn mức chung cả nước

Tiến Thành 05/12/2023 10:05

Năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu phát triển của Hà Nội đều đạt cao hơn mức chung cả nước; GRDP 9 tháng đầu năm duy trì tăng khá, tuy không đạt như kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn 1,43 lần cả nước.

Sáng 5-12, tại kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của thành phố.

hnm.1cdn.vn-2023-12-05-_hn12.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Thu ngân sách ước vượt 13,5% dự toán

Năm 2023, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục chú trọng và nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành với quyết tâm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2023. Trong đó, thu ngân sách ước vượt 13,5% dự toán.

Trong bối cảnh khó khăn, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt cao hơn mức chung cả nước; GRDP 9 tháng đầu năm duy trì tăng khá, tuy không đạt như kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn 1,43 lần cả nước, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung; thương mại, dịch vụ tăng trưởng 2 con số; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát (1,51%), thấp hơn khá nhiều mức chung của cả nước (3,2%).

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Văn hóa được chú trọng phát triển; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tích cực đẩy mạnh. Trong 10 tháng, khách du lịch quốc tế tăng 3,5 lần so với cùng kỳ, khách du lịch trong nước tăng 19,1%; ước cả năm đều vượt kế hoạch. Giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được đặc biệt quan tâm đầu tư.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. Tổng kết Luật Thủ đô và trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); sơ kết tình hình triển khai Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã có dự thảo và đang được hoàn thiện; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được tiếp tục quan tâm; Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được khởi công và tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ; hoàn thành cầu Vĩnh tuy (giai đoạn 2)…

Thành phố dự kiến hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, là: Giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 34,4% - kế hoạch là 30%); tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý (đạt 30,9% - kế hoạch là 28,8%); số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm (130 trường công nhận mới, 270 trường công nhận lại - kế hoạch là 81 trường và 50 trường).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn

5 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch

Bên cạnh kết quả nêu trên, kết quả phát triển năm 2023 của thành phố còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể: Kinh tế duy trì tăng khá trong bối cảnh khó khăn, dự kiến không đạt kế hoạch là 7%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 1% - không đạt kế hoạch là 6%; vốn đầu tư xã hội duy trì tăng 9%, tuy nhiên không đạt chỉ tiêu là 10,5%; dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tăng thấp so với mức tăng cùng thời điểm năm trước và mục tiêu đề ra; chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được như kỳ vọng...

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 60,8% kế hoạch Trung ương giao và 53,7% kế hoạch thành phố giao - cao hơn cùng kỳ năm 2022 (42,4%), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Các nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250; Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chậm tiến độ so với yêu cầu. Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số điểm cuối nguồn, xa nguồn cấp còn diễn ra...

Dịch bệnh trong cộng đồng được tăng cường giám sát, tuy nhiên, số ca sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao và có bệnh nhân tử vong; công tác tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh còn 3 chỉ tiêu chưa đạt tiến độ. Tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử ước đạt 82,5% - không đạt mục tiêu 90%. Chỉ tiêu “Duy trì tỷ lệ xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế” theo tiêu chí cũ đạt 100% nhưng theo tiêu chí mới, chỉ tiêu này đạt 84,5%.

Về cải cách hành chính; môi trường đầu tư kinh doanh: tỷ lệ chậm tiến độ các nhiệm vụ tại Chương trình hành động của UBND thành phố vẫn còn cao (19/118 nhiệm vụ, tương đương 16,1%, trong đó, nhiều nhiệm vụ quá thời hạn rất lâu). Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; Chỉ số PCI năm 2022 giảm sâu 10 bậc, chỉ số PAPI giảm 3 bậc so với năm 2021.

Chuyển đổi số còn chậm; hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra, nhất là số hóa dữ liệu lĩnh vực quản lý đất đai.

Tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến phức tạp; Xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt thiệt hại về người tăng cao so với năm 2022.

Tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội thông qua

Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, bước sang năm 2024, UBND thành phố tập trung bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn, trong đó: Thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa của Trung ương; thực hiện rà soát lại thuế khoán, trước mắt tập trung vào một số lĩnh vực và địa bàn các quận và các thị trấn; bảo đảm cân đối ngân sách; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu...

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong mỗi nội ngành gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; trong đó, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại; trung tâm lưu chuyển hàng hóa, logictics; mở rộng thanh toán trực tuyến; cơ sở hạ tầng, điểm đến và sản phẩm du lịch; sản phẩm công nghiệp chủ lực; sản phẩm nông nghiệp đô thị, sinh thái...

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, SIPAS…

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; trong đó tập trung: công nghiệp văn hóa Thủ đô; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thành phố thông minh... Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, tập trung nâng cao tỷ lệ xử lý nước thải đô thị; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải, các đề án bảo vệ môi trường dòng các sông…

Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và triển khai thực hiện sau khi được duyệt; Chương trình phát triển đô thị, Quy chế Quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội; nghiên cứu, xây dựng, ban hành Kế hoạch đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2026-2030; đẩy nhanh công tác nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, triển khai bước đầu các tuyến đường sắt đô thị, các công trình giao thông và công trình trọng điểm.

Thành phố cũng phối hợp với các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ để tiếp thu ý kiến của Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô tại kỳ họp thứ sáu và hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật, trong đó tập trung vào công tác phổ biến, quán triệt Luật, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được giao trong Luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hầu hết chỉ tiêu năm 2023 đạt cao hơn mức chung cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.