(HNMO) – Chiều 8/7, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội đã có kết quả bước đầu, tuy còn nhiều vướng mắc nhưng sẽ đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.
Thực tế, từ năm 2010, chế định thừa phát lại đã thực hiện thí điểm đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2012, chế định này tiếp tục triển khai thí điểm thêm 12 tỉnh, TP nữa, trong đó có Hà Nội. Việc thực hiện thí điểm là giải pháp có tính đột phá trong cải cách tư pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số nội dung hoạt động tư pháp nói chung và thi hành dân sự nói riêng. Theo đó, sẽ tạo cơ chế, mô hình để người dân có sự lựa chọn được dịch vụ pháp lý tốt và hiệu quả nhất trong việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan; tạo cơ sở và điều kiện để người dân xác lập các chứng cứ trong việc giải quyết tranh chấp tại tòa án cũng như trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thông qua đó bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Bà Hồ Xuân Hương- Phó giám đốc Sở Tư pháp thông tin về việc thí điểm thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội. |
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5 văn phòng thừa phát lại (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Nội và quận Hà Đông). Bà Hồ Xuân Hương nêu rõ, Sở Tư pháp luôn theo sát hoạt động của các văn phòng thừa phát lại và có hướng dẫn kịp thời về những vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm từ tổ chức, quản trị văn phòng đến những vấn đề liên quan đến chuyên môn; trước hết là việc lập vi bằng, tránh tình trạng làm trái thẩm quyền và không đúng quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi của nhà báo về việc văn phòng thừa phát lại là tổ chức tư nhân hay thuộc quản lý nhà nước, bà Hồ Xuân Hương giải thích đây là mô hình công ty hợp danh theo chủ trương xã hội hóa. Qua 4 tháng hoạt động, các văn phòng thừa phát lại chủ yếu mới làm nhiệm vụ lập vi bằng. Hạn chế hiện nay là các văn phòng thừa phát lại chậm thực hiện các hợp đồng tống đạt với Tòa án nhân dân TP, Cục thi hành án TP, Tòa án, Chi cục thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, thừa phát lại là một định chế mới, người dân chưa hiểu, chưa quen với dịch vụ này. Đội ngũ thừa phát lại còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết công việc.
Mặt khác, trả lời câu hỏi của phóng viên về quy hoạch các văn phòng thừa phát lại sẽ như thế nào để tránh như việc có nhiều phòng công chứng san sát nhau như hiện nay? Bà Hồ Xuân Hương cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 103 văn phòng công chứng (10 văn phòng của nhà nước, 93 văn phòng của tư nhân); chỉ cần cách nhau 500m có thể có một văn phòng công chứng, nếu khu dân cư có nhu cầu. Đến năm 2015, nếu hoạt động thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội đạt kết quả khả quan, có thể nhân rộng, 30 quận/huyện/thị xã mỗi nơi có thể có một văn phòng thừa phát lại.
Để khắc phục các vấn đề trên, bà Hồ Xuân Hương cho biết, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tin tưởng sử dụng dịch vụ thừa phát lại; Phối hợp với UBND 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông truyên truyền để các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân biết và sử dụng dịch vụ thừa phát lại. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội) tập trung đôn đốc tiến độ triển khai kế hoạch thực hiện, kịp thời thông báo kết quả công việc; những khó khăn, vướng mắc đến thành viên Ban chỉ đạo để cập nhật, phối hợp tháo gỡ…
Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của nghị định và pháp luật có liên quan. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.