Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Giảm thiểu tối đa úng ngập tại nội thành

Minh Huệ| 31/05/2015 22:50

(HNMO) – Dự báo năm nay lượng mưa các tháng cao điểm trong mùa mưa trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng 5-10% so với cùng kỳ năm trước...

Đưa nước nhanh nhất về nguồn tiêu

Năm 2015, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, thời tiết có khả năng diễn biến phức tạp, mưa bão bất thường… Dự báo, trong năm nay, Hà Nội sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp; lượng mưa các tháng cao điểm trong mùa mưa có xu hướng tăng 5-10% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nội thành Hà Nội được mở rộng, thành lập 2 quận mới (Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm) đòi hỏi công tác duy trì, bảo đảm thoát nước ngày càng cao. Trong khi đó điều kiện kỹ thuật thoát nước đô thị còn thiếu, chưa đồng bộ (lưu vực sông Nhuệ, sông Cầu Bây) do ngân sách thành phố gặp khó khăn…

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thoát nước Hà Nội cũng có những thuận lợi hơn so với những năm trước. Đó là một số công trình tiêu thoát nước đã được hoàn thành, bàn giao và đưa vào vận hành khai thác năm 2014, như: các tuyến cống thoát nước gói thầu CP9 thuộc Dự án thoát nước Hà Nội (dự án II); công tác cải tạo, bổ sung hố ga thu nước trên địa bàn 12 quận, huyện (lưu vực sông Tô Lịch, tả sông Nhuệ, Long Biên) với 88 tuyến (hơn 630 vị trí); lắp đặt gần 670m cống ngang; lắp đặt trạm bơm tự động; 50 tuyến thoát nước;…

Số điểm úng ngập tại nội thành Hà Nội giảm hơn so với năm 2014


Trên thực tế còn nhiều công trình, dự án tiếp tục thi công trong mùa mưa 2015, như: các tuyến kênh mương thuộc dự án thoát nước Hà Nội (Dự án II); các công trình hạ tầng kỹ thuật xây dựng cầu vượt, đường giao thông có liên quan đến hệ thống thoát nước (Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông, Dự án đường vành đai 3, Dự án xây đường vành đai 2,5,…). Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan trong việc thi công nhằm bảo đảm tiến độ của dự án và công tác thoát nước, chống úng ngập.

Theo lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, mục tiêu thoát nước trong mùa mưa bão năm nay là đưa nước nhanh nhất về nguồn tiêu; bảo đảm thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực đã được cải tạo theo dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II; giảm thiểu tối đa úng ngập khu vực khác. Quản lý vận hành hiệu quả các trạm bơm, các nguồn tiêu; khai thác tối đa năng lực của hệ thống thoát nước, năng lực điều hòa nước của các hồ, các thiết bị cơ giới; bảo đảm an toàn hệ thống và mỹ quan đô thị. Từng bước cải tạo đồng bộ theo từng tuyến phố, giải quyết tình trạng nước thải chảy trên mặt đường nhằm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” 2015.

Sẵn sàng ứng phó

Theo Công ty thoát nước Hà Nội, toàn bộ các trục thoát nước chính trên địa bàn thành phố đã được duy trì nạo vét, thông thoáng, không ách tắc, bảo đảm khả năng thu và đưa nước nhanh nhất về nguồn tiêu. Công tác nạo vét được duy trì trên các sông mương, kênh dẫn vào trạm bơm bảo đảm độ dốc thủy lực, thông thoáng dòng chảy; kiểm tra, phối hợp với các chủ đầu tư và đơn vị thi công giải tỏa các vật cản, các đập chặn thi công.

Đối với hệ thống hồ điều hòa đã vận hành các cửa phai, trạm bơm, nạo vét các cửa cống ra vào hồ, vệ sinh và kiểm tra hệ thống đăng chắn, bơm hạ mực nước bảo đảm duy trì được cốt khống chế theo quy định. Bên cạnh đó, các tuyến cống ngang được nạo vét ít nhất một lần/ga/tháng, các khu vực trọng điểm được nạo vét 2-3 lần/ga/tháng. Đồng thời, nạo vét, cải tạo, sửa chữa các ga thu, các tuyến rãnh, chỉnh trang để tăng khả năng thu nước về hệ thống.

Công tác quản lý vận hành các cụm công trình đầu mối Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác: Trạm bơm Yên sở, trạm bơm Bắc Thăng Long-Vân Trì và các trạm bơm cục bộ khác được bảo dưỡng, sửa chữa bảo đảm vận hành an toàn, đúng quy trình 24/24 giờ. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu, thiết bị, nhân lực dự phòng tại chỗ để sẵn sàng bảo đảm an toàn cho các trạm bơm trong trường hợp mưa lớn kéo dài. Các cống qua đê Yên Sở và Hải Bối (Đông Anh) đã được kiểm tra bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão. Chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu cho các máy phát điện dự phòng tại các trạm bơm, như: hầm Kim Liên, trung tâm hội nghị quốc gia, hầm chui đường sắt đại lộ Thăng Long,…

Công ty thoát nước Hà Nội đề ra phương án cụ thể đối phó với úng ngập


Công ty thoát nước Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và thay thế kịp thời các sự cố đan ga mất vỡ; kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ các vật tư cho công tác cảnh báo an toàn khi mưa, như: đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên bờ mương khi mưa; kiểm tra bảo đảm an toàn 63 điểm giao cắt giữa mương và đường giao thông đã xây lan can cứng; chuẩn bị đầy đủ choạc, biển báo, đèn quay tại từng vị trí triển khai ứng trực.

Thực hiện các công trình cải tạo, sửa chữa theo danh mục đặt hàng năm 2015 và các hạng mục cải tạo sửa chữa nhỏ khác để khắc phục các hư hỏng hoặc bất cập trên hệ thống thoát nước. Thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” 2015 đã triển khai lắp đặt hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt bằng rãnh thu hỗn hợp theo từng tuyến phố để giải quyết dứt điểm tình trạng nước thải chảy tràn trên mặt đường.

Số điểm úng ngập giảm

Năm 2014, trên địa bàn 5 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Bắc Từ Liêm và Hai Bà Trưng) tồn tại 12 điểm ngập (so với năm 2013 giảm 8 điểm). Đầu năm 2015, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo Công ty thoát nước Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị rà soát và thống nhất với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố về danh mục điểm úng ngập trên địa bàn 12 quận với tổng số 33 điểm. Trong đó, tập trung thực hiện đến hết quý II/2015, các dự án, công trình cải tạo thoát nước chống ngập cục bộ để giải quyết 10 điểm ngập gồm: Vĩnh Hưng, Quan Nhân, Kim Hoa, Đức Giang, Hoàng Mai, Tây Mỗ, Thợ Nhuộm, Tây Sơn, Cự Lộc, Châu Văn Liêm.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, Công ty thoát nước Hà Nội cũng đã khảo sát, lập phương án thiết kế, cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Phạm Văn Đồng để triển khai thực hiện trong quý II/2015. Bên cạnh đó, Công ty thoát nước Hà Nội cũng đã phối hợp cùng UBND quận Ba Đình khảo sát, lập phương án cải tạo các tuyến mương ô nhiễm, gây bức xúc dân sinh trên địa bàn quận…

Chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút téc, các thiết bị phương tiện cơ giới, gồm: 72 xe hút, xe téc, phản lực; 2 xe bơm di động 1.800m3/giờ; 20 máy bơm chìm 100-150m3/giờ; 11 máy phát điện 5-30KVA; 1 tổ xe bơm di động 1.000m3/giờ; 8 tổ máy bơm di động 200-300m3/giờ và hơn 100 ô tô chuyên dùng, máy xúc, xe tải cẩu...

Có phương án cụ thể

Công ty thoát nước Hà Nội sẽ triển khai theo từng tình huống cụ thể đối với các trận mưa có lượng mưa khác nhau: Huy động 100% quân số theo kế hoạch và lực lượng xung kích thực hiện vệ sinh các họng thu nước mặt như ghi thu, hàm ếch…, kiểm tra, kịp thời xử lý các vật cản làm ảnh hưởng và thu hẹp dòng chảy; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời từ hiện trường đến lãnh đạo công ty và ngược lại.

Vận hành tối đa công suất trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt (khi nước tại đập Thanh Liệt từ sông Nhuệ có chiều hướng chảy vào thì đóng đập); vận hành với công suất tối đa các trạm bơm cụ bộ khác; đặt các tổ bơm di động tăng khả năng thoát nước cho khu vực trũng; vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ (hồ Tây, Đống Đa, Thiền Quang, Bảy Mẫu…).

Sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, giảm thiểu thời gian úng ngập tại các khu vực úng ngập cục bộ có địa hình trũng, trọng điểm. Bảo đảm chủ động kiểm soát mực nước sông Nhuệ so với khu vực nội thành tại các vị trí có cửa xả ra sông bằng các biện pháp khác nhau (28 vị trí tiết diện từ D800 đến cống bản 1,2x1,5m).

Hà Nội bảo đảm thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực đã được cải tạo


Trong trường hợp mực nước sông Nhuệ tại Thanh Liệt lớn hơn hoặc bằng +4,5m và tình hình úng ngập trong khu vực nội thành đã được kiểm soát sẽ mở đập Thanh Liệt để đưa nước về trạm bơm Yên Sở. Từ đó, vận hành tối đa trạm bơm Yên Sở để tiêu nước cho sông Nhuệ và khu vực quận Hà Đông.

Ngoài ra, Công ty thoát nước Hà Nội còn phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy nông vận hành các trạm bơm: Hòa Bình (9,7m3/giây), Siêu Quần (3,5m3/giây) nhằm tiêu úng cho khu vực Thanh Trì, giảm áp lực cho sông Tô Lịch. Đóng cống Cầu Đìa trên sông Đăm (kênh T1 hệ thống thủy nông Đan Hoài), cống Cầu Sa trên sông Cầu Ngà (kênh T2 hệ thống thủy nông Đan Hoài) để ngăn nước vùng đồng huyện Đan Phượng và vùng đồng phía bắc huyện Hoài Đức chảy về sông Nhuệ. Vận hành trạm bơm tưới La Khê để rút nước sông Nhuệ về các trạm bơm Phương Trung, Cao Xuân Dương, Vân Đình tiêu ra sông Đáy. Ngừng vận hành các trạm bơm tiêu bờ hữu sông Nhuệ; mở đập Hòa Mỹ vận hành trạm bơm Vân Đình, đồng thời vận hành tối đa các trạm bơm nông nghiệp như trạm Ngọ Xá, Ngoại Độ, Khai Thái, Bộ Đầu, Đông Mỹ rút nước sông Nhuệ ra sông Đáy và sông Hồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Giảm thiểu tối đa úng ngập tại nội thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.