Sáng 14-5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức gặp mặt tri ân, tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18-5).
Tham dự có nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Bùi Trường Giang, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang…
Về phía Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn manh: Thực hiện chủ trương phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những năm qua, thành phố Hà Nội luôn dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, với mục tiêu xuyên suốt là: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Lãnh đạo thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 chương trình khoa học - công nghệ cấp thành phố và chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỷ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100%, các đề tài, đề án được áp dụng khoảng 90%.
Mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng dần hằng năm (năm 2023 là 62,86%). Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc.
Đáng lưu ý, hai năm liên tục (2022, 2023), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước; số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực.
Đặc biệt, thời gian qua, thành phố đã triển khai 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong quá trình triển khai, thành phố đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ, tham gia góp ý, tư vấn, phản biện rất tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Đến nay, 2 quy hoạch của Thủ đô đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị và đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình, xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định: Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, lãnh đạo thành phố mong muốn được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời trân trọng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất nhiều ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo, cùng đồng hành xây dựng Thủ đô Hà Nội "Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại"; có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá: Thủ đô Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển khoa học và công nghệ... Thời gian qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng tích cực, đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Bằng hoạt động của mình, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; tham mưu, tư vấn, phản biện, cung cấp nhiều luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đạt được nhiều thành tựu trong những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu; góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cải thiện năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 18-5-1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Thực hiện lời dạy của Bác, tháng 6-2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, thống nhất chọn ngày 18-5 hằng năm là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.