Kinh tế

Hà Nội đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng ngoại thành

Thanh Hiền thực hiện 22/09/2024 10:06

Cùng với các hoạt động kết nối, việc tổ chức Tuần hàng Việt tại các huyện ngoại thành Hà Nội góp phần tạo hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và từ phía người tiêu dùng. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp xung quanh hoạt động kết nối tiêu dùng này.

nguoi-tieu-dung.jpg
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2024 được tổ chức ở huyện Đan Phượng.

- Xin ông cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai những giải pháp gì trong việc hỗ trợ nhà sản xuất quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm?

- Thời gian vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các sở, ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, cũng như tôn vinh doanh nghiệp, nhà sản xuất có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối thương mại, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng như: Bán hàng lưu động, Phiên chợ Việt, Hội chợ hàng Việt, Tuần hàng Việt, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn thành phố…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tổ chức hội chợ “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" nhằm quảng bá, tuyên truyền sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Việt; tổ chức chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”…

- Những hoạt động này có vai trò như thế nào trong việc lan tỏa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thưa ông?

- Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là “đầu tàu” trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua 15 năm triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.

Đáng nói là, hàng loạt Tuần hàng Việt đã được Sở tổ chức trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, qua đó quảng bá các sản phẩm Việt chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú đến với người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý nhờ các chương trình khuyến mại, giảm giá. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm gia tăng chất lượng, nâng cao vị thế của hàng Việt tại thị trường trong nước.

Tiếp nối những kết quả đạt được, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm; sản phẩm làng nghề; sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của các địa phương, trong năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng 73 chương trình, sự kiện để tổ chức thực hiện, trong đó tiếp tục tổ chức đẩy mạnh hoạt động đưa hàng hóa chất lượng tốt về các huyện ngoại thành, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Các hoạt động này giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn toàn thành phố.

- Doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa đến người tiêu dùng của Sở Công Thương, trong đó có Tuần hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã cần phải đáp ứng những yêu cầu gì?

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Tuần hàng Việt cần chuẩn bị đầy đủ hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, khuyến mại hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc bán hàng bảo đảm văn minh thương mại, đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của các doanh nghiệp.

- Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ triển khai những kế hoạch gì để kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt lan tỏa rộng hơn đối với người tiêu dùng Việt, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nằm trong chương trình cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, như Lễ hội thời trang thương hiệu sản phẩm, các hoạt động tuần hàng, hội chợ nằm trong các chương trình khuyến mại tập trung, kích cầu tiêu dùng… Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt, với các sản phẩm hàng hóa Việt có thêm nhiều cơ hội tham gia, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chất lượng. Đồng thời, định hình được thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm; chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng; hợp tác, kết nối giữa nhà phân phối và nhà sản xuất nhằm khai thác được các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương, qua đó, người tiêu dùng có cơ hội được biết đến, tin dùng và tiêu dùng các sản phẩm của các địa phương.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.