(HNMO) - Chiều 14-12, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức phiên họp thứ hai thảo luận, cho ý kiến đối với 4 báo cáo và Chương trình công tác trọng tâm của Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo năm 2023.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức (Phó Trưởng ban Thường trực), Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Trung tướng - Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung...
Ngày càng quyết liệt, hiệu quả
Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo nhìn nhận, từ đầu năm đến nay, mặc dù khối lượng công việc lớn, còn nhiều khó khăn, nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, đạt được kết quả cụ thể.
Nêu cụ thể 6 nhóm kết quả chủ yếu, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, không chỉ sớm thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy triển khai bài bản, đồng bộ gắn với đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thường trực Thành ủy, Ban Thường Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy đã tập trung chỉ đạo xử lý 28 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025" với 10 tổ chức Đảng, 10 đảng viên; thành lập đoàn khảo sát, đánh giá thực hiện Đề án 56-ĐA/BCĐ ngày 25-11-2019 về “Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố Hà Nội” đối với 7 đơn vị; giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố đối với 10 tổ chức Đảng, 12 đảng viên...
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức Đảng và 7 đảng viên; tiếp tục kiểm tra đối với 6 tổ chức Đảng và 5 đảng viên; thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng và 15 đảng viên; trực tiếp kiểm tra 3 tổ chức Đảng đơn vị y tế và chỉ đạo kiểm tra 5 tổ chức Đảng đơn vị y tế trong nhóm vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á... Các cơ quan hành chính thành phố đã triển khai 339 cuộc thanh tra, kết luận 201 cuộc; qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 33,9 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 61 tập thể và 85 cá nhân...
Các cơ quan tố tụng thành phố đã khởi tố, điều tra 35 vụ/45 bị can, truy tố 20 vụ/42 bị can, xét xử sơ thẩm 41 vụ/105 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 9 vụ án/12 bị can. Đặc biệt, Tòa án nhân dân thành phố đã đưa ra xét xử sơ thẩm 7 vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phân công cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thực hành quyền công tố. Đây đều là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; kết quả xét xử vụ án theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “Không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đã chỉ rõ 4 hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại thành phố như: Một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu... Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn còn hạn chế, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đinh Tiến Dũng lưu ý 7 nhóm nội dung.
Trong đó, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo và đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, biện pháp, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu song song với nhiệm vụ kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của Bộ Chính trị, cần tập trung chỉ đạo tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đặc biệt là các vụ án do Trung ương giao và ủy thác điều tra của Bộ Công an.
Các sở, ngành, cơ quan chức năng của thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với 8 vụ việc theo Kế hoạch số 128-KH/TU, ngày 28-3-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện kết luận, kiến nghị của Đoàn Công tác số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan kiểm tra, thanh tra tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung những lĩnh vực chuyên môn sâu, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương hoàn thành, kết luận kiểm tra đối với các cuộc kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, cần tăng cường phối hợp, thực hiện nghiêm cơ chế chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm do mình phụ trách, quản lý (nếu có); chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại địa phương; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”; xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo thực hiện nghiêm Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cuộc họp về giám định, định giá tài sản ngày 18-1-2022 và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy về công tác giám định, định giá tài sản; không lạm dụng công tác giám định, định giá tài sản; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trong công tác giám định, định giá.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 2-6-2021 của Bộ Chính trị; Kế hoạch 44-KH/TU ngày 26-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 2-6-2021 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng”. Cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
“Đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất: Kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 7 vụ việc, vụ án; Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chuyển Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 11 vụ việc, vụ án; giao Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức theo dõi, chỉ đạo 1 vụ án và Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, đôn đốc thực hiện; bổ sung 2 vụ việc, vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Như vậy, đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa 22 vụ việc, vụ án vào diện tập trung theo dõi, chỉ đạo theo kiến nghị cơ quan Thường trực và các cơ quan tư pháp thành phố.
Ban Chỉ đạo cũng đã thống nhất ban hành Chương trình công tác trọng tâm của Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023; giao Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành Thông báo kết luận cuộc họp; đồng thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.