(HNMCT) - Năm 2020 là năm có những dấu ấn lịch sử đặc biệt đối với Thủ đô và đất nước ta với nhiều ngày kỷ niệm, sự kiện lớn. Đây cũng là năm Thăng Long - Hà Nội tròn 1010 tuổi.
Nhớ lại những ngày này cách đây đúng 10 năm, tôi và các đồng nghiệp làm số báo Hànộimới Xuân Canh Dần 2010 với một niềm cảm xúc, hào hứng khó tả. Năm đó, số báo Xuân với nội dung hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có độ dày và số lượng phát hành rất lớn. Nhà máy in nằm ngay cạnh tòa soạn, từ tầng 1 lên tầng 5 chất đầy báo Xuân, cả Ban Giám đốc Nhà in cùng làm việc suốt ngày đêm với công nhân cho kịp ngày phát hành. Những ngày đó, thật lạ, vừa như hối hả, vừa như mộng mơ, vừa như chờ đợi, vừa như nuối tiếc khi thời gian vùn vụt lao đi. Những ngày dồn nén nỗi niềm, cảm xúc, khát vọng. Trong mỗi con người, trong cả dân tộc!
Quả thực, thế hệ chúng ta có diễm phúc lớn là được sống, được chứng kiến thời khắc Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Đó là cột mốc vàng rạng rỡ trong lịch sử đầy biến cố thăng trầm và vô cùng oanh liệt của Thăng Long - Hà Nội, của dân tộc ta. Nó lung linh tỏa nguồn sáng đặc biệt từ bản nguyên của lịch sử tới mai sau. Nó giúp chúng ta nhìn rõ hơn bản thân mình, biết rõ hơn hành trang mình đang có, thấy rõ hơn hành trình dân tộc đang đi. Biết bao máu xương, mồ hôi, trí tuệ, tâm sức đã đổ xuống trong cuộc kiến tạo lớn, gian lao mà chói sáng để ngày nay chúng ta đang làm chủ một giang sơn hùng vĩ, một non sông gấm vóc rạng ngời.
Câu chuyện Thủ đô ngàn năm tuổi thấm sâu vào nhịp sống thường nhật, từ những câu chuyện bình dị nhất. Trong mênh mông thẳm sâu lịch sử, Hà Nội trở nên gần gũi và thân thương biết bao. Một thập niên đã trôi qua, tuy sự náo nức không còn như trong năm Đại lễ, nhưng ở thời khắc chuẩn bị đón Xuân Canh Tý 2020, cảm xúc từ nguồn cội vẫn dâng tràn tâm hồn ta, âm thầm mà mãnh liệt, ấm áp mà linh diệu. Trong không gian của Thăng Long - Hà Nội 2020, ta vẫn thấy hình bóng thiêng liêng của lịch sử, sự cuồn cuộn thôi thúc của hiện tại và bóng dáng đường bệ của tương lai.
Trong tiến trình phát triển ở mọi thời kỳ lịch sử, tinh thần sáng tạo, biết nắm bắt cơ hội, kiên cường và quả cảm vượt qua thử thách, khó khăn đã trở thành nét vàng truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Chưa bao giờ Thăng Long - Hà Nội được chứng kiến một cuộc kiến tạo vĩ đại như trong thập niên vừa qua. Từ đỉnh non cao Ba Vì bốn mùa mây phủ, từ các làng quê ít nhiều còn ngỡ ngàng khi hợp nhất về Hà Nội, cho đến các quận nội thành đông đúc, tất cả đang chuyển mình với sinh khí và tốc lực mới. Đại lộ Thăng Long dài 30km, nối liền Thăng Long xưa với những vùng đất mới của Thủ đô mở rộng hôm nay. Cầu Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài đang trở thành mãnh lực phía Bắc Sông Hồng. Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày bằng những công trình bề thế, những khu đô thị hiện đại, những miền quê khởi lên sức sống mới. Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai 3 trên cao, Công viên Hòa Bình và một loạt công trình khác đã và đang làm cho gương mặt Thủ đô ngày càng hiện đại, tươi trẻ. Tất cả cùng kết tạo diện mạo mới, tạo thành một sức bật mới cho Thành phố Rồng bay.
Mấy năm qua, năm nào Hà Nội cũng phải dồn sức giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm, nếu giải quyết không thỏa đáng rất dễ phát sinh hệ lụy khó lường. Nguồn năng lượng lớn từ tinh thần sáng tạo đã trở thành động lực giúp Hà Nội xử lý được những việc thường nhật của Thủ đô mở rộng, những việc dồn đọng từ nhiều năm trước, những việc mới phát sinh bức xúc, tất cả đòi hỏi phải xử lý vừa linh hoạt, vừa căn cơ sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu nóng trước mắt, lại phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với tinh thần sáng tạo, cả guồng máy lớn của Thủ đô sau mở rộng địa giới hành chính chuyển động ngày càng nhịp nhàng hơn, đạt những kết quả đáng mừng. Hà Nội đã chọn việc lớn, khâu trọng điểm, việc cần kíp vốn gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây cản trở và tác động tiêu cực đối với công việc chung để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo cùng các biện pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm, triệt để. Dễ nhận thấy nhất là Hà Nội rất chú trọng đổi mới, cải tiến công tác lãnh đạo, điều hành, lấy hiệu quả thực tế và sự đồng thuận xã hội làm thước đo mọi công việc. Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao việc lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe ý kiến dư luận và cân nhắc thận trọng hiệu quả thực sự đối với từng quyết sách, nhất là với những việc buộc phải thay đổi, điều chỉnh.
Dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng Hà Nội vẫn bộn bề những công việc cần tập trung giải quyết. Đổi mới sáng tạo là đòi hỏi nóng bỏng, là mệnh lệnh của cuộc sống. Đạt mức tăng trưởng khá, nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô còn hạn chế do chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh; hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường còn nghiêm trọng; nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đang bị mai một; khoảng cách giữa thành thị và nông thôn vẫn còn lớn... Đây đó vẫn còn những việc, những chuyện tồn tại như nghịch lý. Chỉ nêu một việc: Chủ trương chuyển nhà máy, trường đại học ra khỏi nội đô để giảm mật độ dân cư và áp lực giao thông cho khu trung tâm là một chủ trương đúng, thế nhưng nhà máy vừa chuyển đi thì gần như ngay lập tức tại khu đất đó lại mọc lên nhà chung cư, khu đô thị, làm gia tăng đột ngột dân số cơ học. Hậu quả nhiều mặt của những việc như thế đã nhãn tiền. Phong cách lãnh đạo mới đã tạo ra cho Thủ đô cái đà để vươn tới những thành công mới. Nhưng không thể sớm thỏa mãn, sao nhãng, hay dừng lại và thụt lùi. Phong cách hành động mới đã hình thành, nhưng có nơi chỉ như mầm non mới nhú, cần tiếp tục ươm giữ, bồi đắp và nhân rộng. Trên mọi vùng miền của đất nước và ngay giữa Thủ đô, vẫn còn không ít người dân phải bươn chải khuya sớm miếng cơm manh áo, phải vật lộn mưu sinh; một số còn phải chịu cảnh đời ngang trái. Nghèo đói, phân hóa xã hội đang lộ diện là những vấn đề xã hội ngày càng gay gắt, nếu không có một đường lối rõ ràng để giải quyết cơ bản và bền vững thì chúng sẽ làm lu mờ thành quả phát triển kinh tế, dồn tụ trong lòng xã hội những mâu thuẫn, xung khắc không thể xem thường.
Bước vào năm 2020, động lực sáng tạo của Thủ đô vừa có thêm hai cú hích mới, rất đẹp, truyền cảm hứng dựng xây mới.
Cú hích thứ nhất, dự án Thành phố thông minh, tổng diện tích 272ha, tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD dọc trục đường Võ Nguyên Giáp 11km từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, đã được khởi công xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028. Dự án Thành phố thông minh, được phát triển dựa trên ý tưởng "Rồng đón ngọc" với điểm nhấn là Tòa tháp tài chính 108 tầng, sẽ góp phần đưa Hà Nội trở thành Thủ đô hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Thành phố thông minh sẽ có 6 tính năng thông minh, bao gồm: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, kinh tế thông minh và đời sống thông minh.
Thành phố thông minh sẽ hoạt động như thế nào? Ở đó, năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên sử dụng cùng với việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng thông qua tích hợp hệ thống quản lý tòa nhà, căn hộ với hệ thống trung tâm. Tuyến phố có không gian chung sẽ được thiết lập cùng với hệ thống giao thông công cộng thông minh, giảm bớt việc sử dụng phương tiện cá nhân. Hệ thống lớp học thông minh sẽ kết nối giáo viên từ các nước trên thế giới giảng dạy qua các lớp học ảo trên Internet, giúp tối đa hóa trải nghiệm cá nhân. Sẽ lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng nhằm giám sát chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa cũng như an ninh, bảo đảm an toàn tối đa cho cư dân. Sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ Blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của Thành phố Hà Nội...
Thành phố thông minh ở Hà Nội đánh dấu bước tiến mới trong việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh việc xây dựng và phát triển thông minh các khu đô thị đã trở thành xu hướng toàn cầu.
Cú hích thứ hai, ngày 30-10-2019, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azouley đã công nhận Thủ đô Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có thế mạnh ở nhiều mảng sáng tạo, nhưng Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, sẽ thể hiện được sự đa dạng tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo. Hà Nội bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên...
Cùng với việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, những kế hoạch được Thành phố hoạch định cho những năm tiếp theo, như: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ... Tất cả sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục được nâng tầm trong thời gian tới, đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO hiện đã có tổng cộng 246 thành phố, phủ khắp tất cả các châu lục và khu vực. Những thành phố này đều hướng tới một sứ mệnh chung. Đó là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để đưa các thành phố phát triển an toàn, năng động, toàn diện và bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
Hà Nội thân yêu của chúng ta đã bước vào một thời kỳ phát triển mới. Là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội còn có sứ mệnh đi đầu và làm gương cho cả nước về văn hóa. Để phát triển bền vững, cái đích đẹp nhất mà chúng ta nhắm tới vẫn là xây dựng con người, là xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức của xã hội ngày càng vững hơn, sáng hơn, đẹp hơn. Kiến tạo Hà Nội không thể chỉ là việc dốc sức xây dựng những công trình đồ sộ; kỳ công hơn, khó làm hơn là cải tạo xã hội đẹp hơn, đẹp hơn từ mỗi con người. Mong mỏi tinh hoa Thăng Long hòa thấm vào cuộc sống thường nhật của người Hà Nội, mọi công dân đều tự hào về truyền thống ngàn năm rạng rỡ, để điều chỉnh, uốn nắn mình, để sống đẹp hơn, đẹp trong ý nghĩ, đẹp trong hành động, từ những việc thường nhật bình dị nhất. Giá trị Hà Nội, tinh hoa Thăng Long không phải cái gì cất kín trong tủ kính. Phải làm cho người dân thấy tinh hoa Thăng Long - Tràng An không phải là cái gì cao xa, nó thể hiện trong chất lượng công việc, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người dân, trong ứng xử với mỗi người xung quanh, với cây cỏ, môi trường, với văn hóa giao thông... Gương mặt đẹp của Thủ đô ngàn năm không thể là cái đẹp có tính nhất thời kiểu phong trào, hết hội là hết đẹp như thường thấy trước đây. Hà Nội cần vẻ đẹp khoáng đạt, thanh tao và bền vững, không chỉ toát ra từ các công trình kiến trúc, xây dựng đồ sộ mà còn toát ra từ từng công dân Thủ đô luôn biết sống đẹp.
Hà Nội là Thủ đô Anh hùng, đã được quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình” 20 năm trước, bây giờ lại càng phải nỗ lực để luôn xứng đáng là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam. Với truyền thống vẻ vang, với trí tuệ và bản lĩnh được hun đúc qua các thời kỳ lịch sử, tinh thần sáng tạo sẽ luôn là nguồn năng lượng đặc biệt để Hà Nội vươn lên tầm cao phát triển mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.