Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố trong quý I-2025 đạt 226,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng mức và tăng 12,5%.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng về tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố, Sở tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương kêu gọi, thu hút đầu tư hạ tầng thương mại lớn, hiện đại (trung tâm outlet; chợ đầu mối Yên Thường, Gia Lâm; chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại Mê Linh…).
Lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục được thúc đẩy, đồng thời với việc kiểm tra chất lượng hàng hóa kinh doanh trên môi trường mạng...
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, Hiệp hội ghi nhận kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ, đề xuất phát triển hạ tầng thương mại vùng nông thôn, phát triển logictics; tăng cường các sự kiện kích cầu tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng sức mua giảm do người dân thắt chặt chi tiêu như hàng dệt may, bia, rượu, nước giải khát, điện tử, gia dụng....
Kết nối du lịch với dịch vụ, mở các điểm bán hàng tại các khu du lịch phục vụ khách tham quan mua sắm; chú trọng phát triển các mặt hàng lưu niệm và quảng bá các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... của các địa phương tới khách du lịch trong và ngoài nước.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4-4-2025 của Bộ Công Thương về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, Hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ Việt Nam phối hợp phát triển nguồn hàng, tăng tính cạnh tranh, kích cầu tiêu dùng, tăng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng...
Đồng thời, nắm sát tình hình diễn biến thị trường để báo cáo cơ quan có thẩm quyền và chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu, kiềm chế lạm phát.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... trong thương mại điện tử và thương mại truyền thống để hỗ trợ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.