(HNM) - Bằng cuộc đấu tranh đầy bản lĩnh và trí tuệ, kết hợp chặt chẽ ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao, tháng 10-1972, văn bản Hiệp định Paris hình thành và được sự nhất trí giữa những đại diện tham gia đàm phán. Tuy nhiên, chính quyền Washington lúc đó đã lật lọng, không ký hiệp định theo dự kiến mà mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 nhằm hủy diệt Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, với tham vọng làm suy yếu miền Bắc, gây thêm những tội ác với nhân dân Việt Nam.
1. Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán chính thức giữa Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ bắt đầu diễn ra ở Paris (Pháp). Ngày 25-1-1969, hội nghị 4 bên (gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và chính quyền Sài Gòn) chính thức họp phiên đầu tiên. Trải qua nhiều phiên họp chung công khai, nhiều cuộc tiếp xúc riêng, lập trường của 4 bên, mà thực chất là của hai bên (Việt Nam và Mỹ) luôn mâu thuẫn, khác xa nhau khiến cuộc đàm phán diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng.
Từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973, Việt Nam và Mỹ đều sử dụng phương thức vừa đánh vừa đàm phán. Những thắng lợi quân sự to lớn của cách mạng Việt Nam trên chiến trường (Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972...) đã gây cho quân địch thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán. Nước Mỹ càng thêm rối loạn; dư luận thế giới đòi Mỹ phải rút quân, ngừng ném bom miền Bắc để kết thúc chiến tranh, nhanh chóng có thỏa thuận tại Hội nghị Paris.
Trong tình thế lúng túng cả về quân sự và ngoại giao, Tổng thống Mỹ R.Nixon quyết định “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh nên từ tháng 4-1972 đã tăng cường dùng không quân, kể cả máy bay chiến lược B-52 hiện đại nhất lúc đó đánh phá mang tính hủy diệt ở miền Nam, tiến hành trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô lớn và cường độ ác liệt chưa từng thấy. Tháng 8-1972, Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn hoãn không thời hạn các phiên họp tại Hội nghị Paris.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, với nỗ lực không để đàm phán bế tắc, ngày 8-10-1972, phía Việt Nam đưa ra bản dự thảo Hiệp định. Hai bên nhất trí với nội dung văn bản, đồng thời thỏa thuận ký tắt Hiệp định trong thời gian từ ngày 24 đến 31-10-1972. Tuy nhiên, ngày 25-10-1972, Mỹ lật lọng, không ký tắt văn bản Hiệp định theo dự kiến. R.Nixon gửi công hàm đề nghị hai bên có cuộc họp riêng để bàn thêm một số vấn đề. Mục đích R.Nixon nhắm tới là để xoa dịu dư luận nhằm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai.
2. Với những toan tính và sự chuẩn bị từ trước, sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, R.Nixon quyết định đánh con bài cuối cùng, mở cuộc tập kích chiến lược đường không (từ ngày 18 đến 29-12-1972) vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc, với mật danh Linebacker II. Đặc điểm nổi bật là tiến công dồn dập bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh vào các trung tâm đầu não của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Theo Giáo sư sử học Mỹ George C.Herring, quyết định của R.Nixon “có vẻ là buộc Hà Nội ký một thỏa thuận” nhưng thực chất là “phản ánh nỗi tức giận và dồn nén trong suốt 4 năm và làm cho Bắc Việt Nam suy yếu đi đến mức họ không thể đe dọa Nam Việt Nam sau khi ký một giải pháp hòa bình”.
Từ ngày 18-12-1972, Mỹ liên tục điều máy bay chiến lược B-52 thực hiện những trận ném bom dữ dội và ác liệt nhất, trút gần 100.000 tấn bom xuống miền Bắc nước ta. Riêng tại Hà Nội, không quân Mỹ đánh có tính chất hủy diệt, trút hàng chục nghìn tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Đài Phát thanh Mễ Trì... Mỹ hy vọng sẽ buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận các yêu sách do họ đưa ra. Song, một lần nữa chính quyền R.Nixon lại nếm mùi thất bại. Trong 12 ngày đêm, Hà Nội sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm 34 chiếc B-52, 5 chiếc F.111A, 21 chiếc F.4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7... Đây là tổn thất lớn về máy bay, phi công Mỹ trong chiến dịch.
Cuộc tập kích chiến lược của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng tuy gây ra những tổn thất nặng về nhân mạng và cơ sở vật chất cho nhân dân Việt Nam nhưng đã không làm thay đổi được lập trường của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về nội dung cơ bản của Hiệp định Paris. Đồng thời tạo ra một làn sóng bất bình trong dư luận Mỹ và chính giới các nước trên thế giới, bao gồm cả các đồng minh lâu dài của Mỹ. Ngày 30-12-1972, R.Nixon buộc phải ra lệnh chấm dứt cuộc tập kích, sẵn sàng cử đại diện trở lại bàn đàm phán.
Ngày 8-1-1973, cuộc đàm phán ở Paris được nối lại. Các đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở lại bàn đàm phán trên tư thế của người chiến thắng và Mỹ ở thế bất lợi. Mặc dù cuộc tập kích chiến lược của Mỹ hết sức tàn bạo nhưng không thể làm thay đổi được nội dung của Hiệp định Paris. Sau 6 ngày họp liên tiếp, các bên tham gia đàm phán hoàn thành văn bản cuối cùng và ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973). Mỹ chấp nhận rút quân viễn chinh khỏi miền Nam, thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam.
Hội nghị Paris diễn ra trong 4 năm 9 tháng với tổng cộng 202 phiên họp chung công khai, hàng chục cuộc họp riêng, hàng trăm cuộc họp báo..., cuối cùng ta đã giành được thắng lợi. Theo sử gia George C.Herring, kết quả đạt được của Hiệp định quả thực là sự trả giá quá đắt đối với Mỹ, ảnh hưởng to lớn đến niềm tin của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới vào uy tín, sức mạnh của siêu cường này. “Nixon đã kiên quyết tìm đến một nền “Hòa bình trong danh dự” để duy trì địa vị của Mỹ trên thế giới, nhưng Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ vốn đã chán ngấy việc dính líu vào chiến tranh”.
Như vậy, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” góp phần quyết định để buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là chính nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.