(HNMO) - Ngày 7-6, Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm trao đổi về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tình hình thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.
Báo cáo về tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và việc triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, Hà Nội ghi nhận nhiều mô hình PBGDPL mới, hiệu quả bên cạnh cách làm truyền thống. Cụ thể, sử dụng chạy chữ trên truyền hình, ứng dụng qua thiết bị thông minh (Hà Nội Smar City), xây dựng nhiều ứng dụng mới để tuyên truyền theo phương thức hiện đại như Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus, chuyển tải dưới infographic, video điện tử, mạng xã hội, fanpage, màn hình Led, qua thiết bị điện tử tại nhà chung cư, khu đô thị, tin nhắn điện tử, thư điện tử...
Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, số xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm sau luôn cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở tăng. Về công tác truyền thông chính sách nói chung, các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Đề án đã được Hà Nội thực hiện và bước đầu đạt kết quả. Công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật đã được quan tâm, đẩy mạnh, chú trọng thực hiện từ sớm, từ xa, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với thực tiễn, tạo đồng thuận xã hội và là tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi văn bản được ban hành.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về: Mô hình, phương pháp PBGDPL phù hợp với điều kiện thực tế; phân bổ kinh phí dành cho công tác PBGDPL; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác PBGDPL, bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Báo chí xuất bản Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội là Sở đầu tiên trong cả nước đã huy động được sự tham gia các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô. Thông tin lan tỏa có trọng tâm, trọng điểm, thu hút được bạn đọc, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin điện tử được nâng cao.
Việc phối hợp với các cơ quan báo chí phản bác lại các luận điệu sai trái; bóc gỡ những thông tin xấu độc được tiến hành thường xuyên. Song, hiện nay, trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp. Việc cấp kinh phí chủ yếu bố trí trong kinh phí thường xuyên hằng năm, hoặc theo vụ việc, chủ yếu lồng ghép vào nhiệm vụ của từng đơn vị, chưa có ngân sách được quy định rõ dành cho công tác truyền thông chính sách.
Đại diện Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp sớm tập huấn và ban hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đối với truyền thông dự thảo chính sách tác động lớn đến xã hội; nghiên cứu đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức tiếp nhận việc góp ý, thông tin phản hồi đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng chính sách. Đồng thời, quy định truyền thông dự thảo chính sách là một khâu bắt buộc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.