(HNMO) – Sáng 15/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng nhiều lãnh đạo các sở, ban ngành của TP Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ 3 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội.
Đó là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông; dự án xây dựng đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng (đoạn La Thành – Thái Hà – Láng); và dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2. Các tuyến đường quan trọng này khi hoàn thành sẽ tháo gỡ rất lớn cho Hà Nội trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế xã hội, nên hơn bao giờ hết từ lãnh đạo đến người dân Thủ đô đều “nóng lòng” dõi theo tiến độ của các công trình trên.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông: phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2014
Vào đầu buổi sáng, đoàn kiểm tra đã đến khảo sát điểm đầu Cát Linh – Hào Nam – Hoàng Cầu của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông. Theo Ban QLDA giao thông đô thị (Sở GTVT): dự án có tổng mức đầu tư 8.769,965 tỷ đồng (tương dương 552,86 triệu USD); trong đó, vốn vay của Trung Quốc gồm vốn tín dụng ưu đãi là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD) và vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD. Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.123 tỷ đồng (tương đương 133,86 triệu USD). Dự án có chiều dài 13,5 km, gồm 12 ga và 1 khu depot được chia thành 7 gói thầu.
Dự án bắt đầu thi công từ tháng 4/2010. Nhìn chung tiến độ triển khai chậm so với kế hoạch ban đầu, sau đó đã được các đơn vị thực hiện đẩy mạnh. Hiện phương án thiết kế kỹ thuật phần công trình đã cơ bản hoàn thành; tổng thầu EPC đang hoàn thiện, trình duyệt từng phần để thi công. Bên cạnh đó, dự án đã hoàn thành thi công 11 trụ cầu trên hồ Đống Đa và đường Hoàng Cầu; bắt đầu triển khai thi công các trụ cầu trên đường Hào Nam; hoàn thành 85% khối lượng thi công đường công vụ vào khu depot; đang chuẩn bị để triển khai thi công các trụ cầu trên đường Quang Trung – Hà Đông và xử lý nền đất yếu khu vực depot trong tháng 9/2011; hoàn thiện thiết kế kỹ thuật cầu vượt sông Nhuệ và cầu vượt nút giao Vành đai 3 để triển khai thi công trong quý IV/2011.
Tuy nhiên, hiện dự án còn vướng vào GPMB phần dân cư thuộc các quận Đống Đa và Thanh Xuân; chưa triển khai do đang điều chỉnh chỉ giới đường đỏ một số đoạn tuyến; chưa di dời xong một số công trình hạ tầng kỹ thuật (như cáp ngầm…).
Trao đổi với Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, ông Lô Kiến Trung – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tổng thầu EPC) cam kết sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ của dự án, xây dựng công trình đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, đưa công trình thành dự án điểm của TP Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị hoan nghênh phía nhà thầu Trung Quốc đã tham gia thi công công trình quan trọng này. Đó là một trong những tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của Hà Nội; góp phần giải quyết rất lớn cho giao thông đô thị, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Tuyến đường sắt này khi hoàn thành có thể gọi là tuyến đường sắt hữu nghị Việt Trung vì phía Trung Quốc đã cho vay vốn ưu đãi thực hiện dự án, bố trí cả nhân lực thực hiện… Tuy nhiên, Bí thư nhấn mạnh, do là dự án quan trọng, cấp bách, chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng ngay đến đời sống nhân dân và sự phát triển của Hà Nội. Hơn nữa, dự án cũng không còn khó khăn do nguồn vốn đã có đủ, phần khảo sát thiết kế đã hoàn thành chỉ còn phần phê duyệt thiết kế chi tiết… nên hiện chỉ còn phần tổ chức thi công. Tuyến đường sắt này chỉ kéo dài khoảng 13km, nhưng nhà thầu cam kết đến đầu năm 2015 mới hoàn thành là quá chậm; cần đẩy nhanh tiến độ tăng khoảng 6 tháng. Nhà thầu cần cố gắng đến tháng 6/2014 đưa tuyến đường sắt vào chạy thử; vào khoảng 2/9/2014 là ngày Quốc khánh của Việt Nam hoặc 1/10/2014 là ngày Quốc khánh của Trung Quốc có thể đem vào khai thác phục vụ khách. Về phía Hà Nội, Bí thư cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh công tác GPMB, bàn giao sớm cho nhà thầu thi công công trình.
Dự án xây dựng đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng (đoạn La Thành – Thái Hà – Láng): dứt điểm GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công
Là một tuyến đường huyết mạch trong khu vực nội đô, khi hoàn thành sẽ “chia lửa” với tuyến đường Nguyễn Lương Bằng đang rất ùn tắc hiện nay; do đó TP Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm tới việc triển khai dự án xây dựng đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng (đoạn La Thành – Thái Hà – Láng).
Theo báo cáo của Ban QLDA giao thông – đô thị: Dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh là gần 353 tỷ đồng, với chiều dài 2,1km, có 2 dải đường, bố trí 6 làn xe, mỗi mặt đường rộng 10,5m. Dự án phải GPMB với 457 phương án, hiện còn 19 phương án chưa bàn giao mặt bằng.
Về công tác thi công dự án, ở gói thầu số 2 (do Tổng công ty UDIC làm), triển khai từ tháng 9/2003, đến năm 2006 đã hoàn thành đoạn từ đê La Thành đến đường Võ Văn Dũng, dài 700m; đoạn còn lại dài 483m từ Võ Văn Dũng đến Thái Hà phải dừng thi công từ năm 2006 đến nay vì chờ GPMB. Hiện công tác GPMB đã cơ bản xong, UDIC đang tập trung thi công và dự kiến thông 1 làn xe ở dải Tây trước 10/10/2011; hoàn chỉnh cả hai làn đường trước Tết âm lịch. Bên cạnh đó, ở gói thầu số 3, Tổng công ty sông Hồng đã thảm thô xong đoạn đường từ Thái Thịnh – đến Láng, đang thi công cống thoát nước và dự kiến hoàn thành trước Tết âm lịch. Ngoài ra, với gói thầu số 3B, đơn vị thi công đã làm xong 2 làn cống hộp và thảm thô xong đoạn cắt qua nút Láng; tập trung hoàn thiện nốt làn đường còn lại và dự kiến xong trước tháng 12/2011.
Đứng trước hiện trường còn đang thi công ngổn ngang, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT phân bua với đoàn kiểm tra: Dự án xây dựng đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng (đoạn La Thành – Thái Hà – Láng) bị kéo dài tiến độ nhiều năm vì thực hiện dự án này có nhiều cái khó: như vướng nặng vào GPMB, “dính” rất nhiều công trình ngầm phải di chuyển cần sự phối hợp của nhiều đơn vị; vừa thi công lại phải vừa bố trí phân luồng cho nhân dân đi qua khu vực này.
Phát biểu chỉ đạo tại dự án, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu quận Đống Đa giải quyết dứt điểm phần GPMB, xử lý các kiến nghị của nhân dân, hộ dân nào dây dưa nếu cần thiết có thể cưỡng chế. Bên cạnh đó, Ban QLDA giao thông – đô thị cần giám sát các đơn vị thi công, tập trung nhân lực, máy móc, để sớm hoàn thành dứt điểm dự án.
Dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2: cần thi công nhanh, đảm bảo chất lượng, an toàn
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 giai đoạn 2 (đoạn Mai Dịch – Bắc hồ Linh Đàm) do Ban QLDA Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) đảm trách. Dự án có tổng chiều dài 8.912m, bao gồm 385 đường dẫn và 8.527 cầu cạn chạy suốt. Dự án được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang 4 làn xe. Dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản với tổng mức đầu tư 5.547 tỷ đồng.
Việc thi công tuyến đường được chia làm 3 gói thầu. Theo đó, gói thầu số 1, đoạn Mai Dịch – Trung Hòa, đã thi công đạt 15,72 khối lượng, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/10/2012. Với gói thầu số 2, đoạn Trung Hòa – Thanh Xuân, hiện đã chuẩn bị xong công tác chuẩn bị thi công, dự kiến hoàn thành trước 30/12/2012. Ở gói thầu số 3, đoạn Thanh Xuân – Bắc hồ Linh Đàm, thi công đạt 51,25% khối lượng gói thầu, dự kiến hoàn thành trước 30/6/2012.
Đứng tại chân công trình Dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2, giữa những cột bê tông sắt thép cao lừng lững đang đổ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường vui mừng nói với Bí thư Phạm Quang Nghị: dự án đang triển khai khá thuận lợi vì mặt bằng thi công không có vướng mắc, hiện chỉ thiếu khu vực đất để đổ dầm bê tông, cần TP giúp đỡ. Nhìn chung, các nhà thầu đều đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn so với dự kiến ban đầu khoảng 6 tháng và theo kế hoạch có thể hoàn thành toàn bộ tuyến đường vào 30/10/2012.
Chia sẻ tâm sự với lãnh đạo Bộ GTVT, Bí thư Phạm Quang Nghị nói: Vấn đề giao thông đô thị của Hà Nội đang nóng hàng ngày, hàng giờ; nếu không giải quyết nhanh sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống – chính trị - kinh tế của cả Thủ đô và đất nước. Thực tế, đến nay, Hà Nội chưa có tuyến đường vành đai nào được xây dựng hoàn tất. Vành đai 1 được triển khai xây dựng sớm nhưng rất khó trong công tác GPMB, nhất là với đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu hiện nay. Rất mừng là đường Vành đai 3 có điều kiện thi công tốt hơn nhiều, do đó, các đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, không để xảy ra sự cố, làm gián đoạn tiến độ công trình.
Qua buổi khảo sát 3 công trình giao thông tiến độ trọng điểm của Hà Nội, có thể thấy một khối lượng lớn công việc đang được thực hiện, với sự nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành. Giao thông Thủ đô đang chờ ngày “đường thông, hè thoáng, bớt tắc nghẽn”, văn minh, hiện đại hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.