(HNM) - Quán triệt thông điệp của Chính phủ - năm 2023 là năm dữ liệu số, UBND thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh số hóa dữ liệu thiết yếu, từ đó tạo nền tảng bứt phá trong quản lý nhà nước cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Đến nay, thành phố đã đạt được những kết quả cụ thể, đáng ghi nhận trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ...
Bảo đảm dữ liệu đúng - đủ - sạch - sống
Tại hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ; triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, các dữ liệu của thành phố cần được số hóa nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh. Từ đó, tạo ra các ứng dụng, phần mềm khai thác dữ liệu phục vụ công tác của các cấp chính quyền cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã nỗ lực hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch (khai tử, khai sinh, kết hôn…). Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố Hà Nội, đến nay đã có 8/30 quận, huyện, thị xã số hóa dữ liệu với tổng số gần 2,6 triệu trường hợp. Trong đó, quận Ba Đình là địa phương số hóa dữ liệu hộ tịch cao nhất với hơn 500 nghìn trường hợp. Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình Lê Thị Thu Hà cho biết, từ đầu năm 2021, Phòng đã tham mưu UBND quận hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch, nhờ đó thao tác tìm kiếm, tra cứu thông tin lưu trữ trong sổ hộ tịch được cải tiến.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, Ban Chỉ đạo Đề án 06 quận Hoàng Mai đã phân công trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị, quyết tâm thực hiện 3 ca/ngày để số hóa gần 231 nghìn dữ liệu. Bên cạnh lực lượng công an và cán bộ hộ tịch phường, Đoàn thành niên, Tổ Công tác Đề án 06 tại các tổ dân phố được huy động nhằm hỗ trợ, rà soát các dữ liệu sai lệch. “Chúng tôi đôn đốc hằng ngày về tiến độ thực hiện, đồng thời tổ chức kiểm tra kết quả rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau khi đã thực hiện xong để bảo đảm dữ liệu công dân đúng - đủ - sạch - sống”, đồng chí Nguyễn Minh Tâm nói.
Sau quá trình thực hiện mô hình “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h”, Chủ tịch UBND xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch đã giảm được thời gian thao tác, thuận tiện cho việc tra cứu, tạo thuận lợi cho công chức trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời giảm chi phí đi lại cho người dân”.
Hỗ trợ tối đa người dân và doanh nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về số hóa các nhóm dữ liệu về đất đai, xây dựng, nhà ở, lao động, an sinh xã hội và y tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố đã chỉ đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ hướng dẫn của bộ chủ quản thực hiện rà soát, cập nhật thông tin, dữ liệu thuộc thẩm quyền đơn vị phụ trách.
Đến nay, toàn thành phố đã ký xác nhận được hơn 15,1 triệu mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 (đạt 81%); gần 200 nghìn đối tượng bảo hiểm xã hội của thành phố được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã hoàn thành xây dựng và đang quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai 3 huyện: Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa trên phần mềm ViLIS 2.0 (phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất), có thể sử dụng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu các huyện này lên hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có yêu cầu. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của 27 quận, huyện, thị xã còn lại.
Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước do Bộ Nội vụ triển khai, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Sở đã tham gia tập huấn triển khai cập nhật, đồng bộ dữ liệu từ hệ thống của bộ, ngành, địa phương và đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ để đồng bộ cơ sở dữ liệu từ thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Trong năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện số hóa và nhập dữ liệu cho đoàn, hội; triển khai số hóa dữ liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; số hóa hồ sơ sức khỏe để phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến về đổi Giấy phép lái xe…
Việc đẩy mạnh số hóa các dữ liệu thiết yếu của thành phố sẽ mang đến lợi ích căn bản, giúp tăng hiệu quả làm việc của chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.