(HNM) - Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp. Trong đó tăng cường kiểm tra, đánh giá, xếp loại, xây dựng và phát triển chuỗi nông sản an toàn nhằm kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản bán ra thị trường. Tuy nhiên, do nhiều cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố nhỏ lẻ, hoạt động theo thời vụ gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình xử lý vi phạm.
Kiểm tra và xử lý vi phạm
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 17.417 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục đã thẩm định, xếp loại 51 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Kết quả có 34 cơ sở xếp loại B (chiếm 66,7%); 13 cơ sở xếp loại C (chiếm 25,5%) - đây là những cơ sở không đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và 4 cơ sở không đánh giá (chiếm 7,8%). Đồng thời, cấp 30 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở xếp loại B trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Cùng với kiểm tra, đánh giá xếp loại, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc xử lý vi phạm theo quy định.
Theo ông Lê Trung Kiên - phụ trách bộ phận thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội), từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục đã thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc tại 5 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, phát hiện 2 cơ sở vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không thực hiện đầy đủ về theo dõi nhiệt độ với các sản phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt, vệ sinh kho bảo quản không bảo đảm.
Nói về nguyên nhân của việc kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản còn khó khăn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết: Số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố lớn, nhưng phần lớn nhỏ lẻ, thậm chí một số cơ sở sau thời gian hoạt động có thay đổi về trụ sở, biển hiệu nhưng không thông báo, gây khó khăn cho việc kiểm tra, đánh giá. Số lượng các cơ sở xếp loại B lớn nên tần suất đánh giá, kiểm tra dày, trong khi lực lượng chức năng ở địa phương mỏng, hoạt động chưa hiệu quả. Ngoài ra, với lượng lớn đối tượng thuộc diện phải kiểm tra nhưng không đăng ký kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các chợ đầu mối nên việc giám sát các đối tượng này gặp nhiều khó khăn.
Chú trọng công tác giám sát ngay tại cơ sở
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn cho người dân, người tiêu dùng thực phẩm về các quy định quản lý và cách lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Sở yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm trong nông nghiệp. Cùng với đó, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê 100% cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố để tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện công tác lấy mẫu giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất nguồn gốc, thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật. Chính quyền địa phương bố trí đủ kinh phí, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan được phân công nhiệm vụ quản lý theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân cấp của thành phố.
Cùng với đó, các địa phương tăng cường tái kiểm tra những cơ sở xếp loại C không bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không có sự thay đổi cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các địa phương tăng cường công tác quản lý truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, ứng dụng mã QR code nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Ở góc độ địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết: Từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; đồng thời, tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã làm công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn nhằm từng bước đưa việc quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.