Nông nghiệp

Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã

Lê Thị Thu Hằng 29/08/2024 - 06:21

Hà Nội có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%), trong đó, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp đóng góp tích cực trong tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP).

Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp thành phố ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn. Các hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

mo-hinh-trong-rau-an-toan-tai-hop-tac-xa-nong-nghiep-tien-le-huyen-hoai-duc-mang-lai-gia-tri-kinh-te-cao.-anh-van-hao.jpg
Mô hình trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Văn Hào

Nhiều mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu

Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên hợp tác xã nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ. Từ đó, nhiều hợp tác xã đã tổ chức sản xuất và tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Ðặc biệt, những năm gần đây, với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã đã có bước phát triển mới cả về số lượng, hiệu quả hoạt động với nhiều loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm.

Tiêu biểu như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã và đang trồng nhiều loại rau, củ theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, đầu tư lắp đặt hệ thống camera, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất để minh bạch quá trình sản xuất, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, xác định rõ sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường, nên ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở tiêu thụ, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định. Đến nay, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn có 6 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt hơn 800 tấn/năm. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng...

Đối với xã Yên Sở (huyện Hoài Đức), do nằm bên bờ sông Đáy nên nhận được lượng phù sa màu mỡ bồi đắp, rất thuận lợi và phù hợp để phát triển nông nghiệp, nhất là trồng các loại cây ăn quả. Toàn xã hiện có 160,3ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích trồng cây bưởi chiếm hơn 70ha, tổng sản lượng quả hằng năm đạt hơn 1.800 tấn. Yên Sở có nhiều giống bưởi đặc sản được trồng từ 40 đến 50 năm về trước, chất lượng cao, như: Bưởi Diễn tôm vàng, bưởi Diễn tôm xanh, bưởi đào đường...

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở Trần Hữu Tâm cho hay, trước kia, bưởi chỉ được người dân canh tác nhỏ lẻ trong các khu vườn của gia đình. Trong những năm gần đây, người dân đã chuyển sang trồng tập trung, ứng dụng khoa học, công nghệ, sản xuất hữu cơ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. "Qua nhiều thập kỷ phát triển, bưởi đang mang lại giá trị cao cho người nông dân, mỗi năm cho thu nhập trung bình 50-100 triệu đồng/sào" - ông Trần Hữu Tâm chia sẻ.

Tại huyện Ba Vì, năm 2019, Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì được thành lập với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi với nhau, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ. Hiện tại, hợp tác xã có 9 thành viên chăn nuôi, cung cấp cho thị trường khoảng 25.000 con gà/năm. Từ khâu chọn lựa con giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh cho gà đều được các hộ thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật. Nhờ đó, đàn gà luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, giá bán cao, ổn định...

Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có 1.498 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 1.304 hợp tác xã đang hoạt động, 194 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tính đến hết năm 2023, có 61,4% hợp tác xã được xếp loại khá và tốt. Toàn thành phố đã hình thành 166 hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, hữu cơ, HACCP; 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 132 hợp tác xã nông nghiệp có các sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); gần 40% số hợp tác xã đã có liên kết sản xuất, tiêu thụ, trong đó có 84 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết theo chuỗi giá trị, 10 hợp tác xã phát triển kinh tế tuần hoàn và ứng dụng chuyển đổi số...

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, từ năm 2022 đến nay, Sở tập trung triển khai và phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ, tuyên truyền 50 mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; hỗ trợ thành lập mới và củng cố gần 200 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ 130 hợp tác xã nông nghiệp trong hoạt động đánh giá, xác nhận về hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt các yêu cầu theo Chương trình OCOP, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu…

Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, thành lập mới từ 1.000 hợp tác xã và 15 liên hiệp hợp tác xã trở lên; số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên. Thành phố cũng đặt mục tiêu hỗ trợ 150 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, đóng góp tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế của Thủ đô, nhất là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.