Kinh tế

Hà Nội đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 9%

Thanh Hiền

Chiều 9-1, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự.

29-4-sxcn.jpg
Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp Thủ đô năm 2024 ước tăng 6,2%. Ảnh: Minh Anh

Trong năm 2024, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Cụ thể, 4/4 ngành công nghiệp cấp 1 đều tăng trưởng, nhiều đơn hàng xuất khẩu chủ lực tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 6,2%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng 6,52% của GRDP (chiếm 12,6%).

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm năm 2024 tăng 8,2%; chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 853,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của thành phố Hà Nội đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, thương mại, xuất khẩu.

9-1-anhsct2.jpg
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Thanh Hiền

Hạ tầng công nghiệp, thương mại được quan tâm phát triển, nhiều dự án hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố được khởi công, hoàn thành trong năm qua.

Năm 2025, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 6,95% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 9% trở lên; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kiểm soát tăng dưới 4,5%;…

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhất trí với 13 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2025 của Sở Công Thương, trong đó có 7 nhóm nhiệm vụ khó, để tập trung chỉ đạo, thực hiện, xử lý có hiệu quả.

9-1-anhsct1.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ảnh: Thanh Hiền

Trong đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý Sở Công Thương có giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn.

Tập trung thu hút đầu tư vào 7 cụm công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; đồng thời đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đầu tư 27 cụm công nghiệp và khởi công 9 cụm công nghiệp đã được thành lập giai đoạn 2018-2020...

Về năng lượng, cần bảo đảm đủ nguồn điện cho sản xuất và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong lĩnh vực thương mại, tập trung hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đề xuất giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; làm tốt bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, ổn định cung cầu hàng hóa, trước mắt tập trung phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cũng lưu ý Sở Công Thương thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, (outlet, chợ đầu mối nông sản…); quản lý loại hình thương mại điện tử, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải tạo, sửa chữa các chợ trên địa bàn.

Nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, đảm bảo kiểm tra, giám sát và quản lý thị trường đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 9%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.